Gian nan giảm thất thoát thực phẩm

16:40 | 09/04/2018

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thất thoát, lãng phí thực phẩm ở mức cao trong khu vực châu Á

Nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Giải cứu không phải là giải pháp căn cơ
Thay đổi tư duy để phát triển

Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), thất thoát thực phẩm không chỉ xảy ra ở khâu sản xuất, sau thu hoạch, chế biến trên chuỗi cung ứng thực phẩm, mà còn ở khâu thương mại, bán lẻ và tiêu dùng. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thất thoát, lãng phí thực phẩm ở mức cao trong khu vực châu Á.

gian nan giam that thoat thuc pham
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thất thoát, lãng phí thực phẩm ở mức cao trong khu vực châu Á

Công ty CEL Consulting (là công ty chuyên cung cấp các giải pháp tư vấn, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực Chuỗi cung ứng và Hoạt động, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam) vừa công bố kết quả khảo sát mới nhất về tỷ lệ thất thoát thực phẩm tại Việt Nam trong quý I/2018.

Điều tra được tiến hành trên 150 hộ sản xuất, hộ nông dân nhỏ và vừa tại các tỉnh Bến Tre, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ... để đo lường mức thất thoát thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, phân loại, đóng gói, vận chuyển, bốc dỡ, lưu trữ... Nhóm sản phẩm khảo sát là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam, (cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu) như rau quả, thịt gia súc gia cầm và thủy hải sản.

Ông Julien Brun, chuyên gia CEL Consulting cho biết, thất thoát rau quả xảy ra trong quá trình sản xuất là 25,5% do sâu bệnh, hạn hán, hư hỏng; và thất thoát sau thu hoạch chiếm 6,3% do vận chuyển, lưu trữ, đóng gói chưa phù hợp. Như vậy, có khoảng 31,8% thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi tới được các nhà máy chế biến, trung tâm phân phối. Con số này tương ứng với khoảng 7,3 triệu tấn rau quả thất thoát hàng năm. Việt Nam đang có mức thất thoát rau quả trong sản xuất cao hơn mức trung bình trong khu vực là 10,5%.

Đối với sản phẩm thịt, súc sản, thất thoát ở khâu sản xuất chiếm 14% (do dịch bệnh, vận chuyển, lưu trữ…). Nếu quy đổi mức tổng thất thoát 14% thì con số mất đi trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 gia súc, 11.000 con heo và 139.000 con gà. Việt Nam hiện có mức thất thoát thịt trong khâu chăn nuôi, sản xuất cao hơn mức trung bình tại khu vực Đông Nam Á là 8,6%.

Nhóm thủy hải sản thất thoát trong quá trình đánh bắt, nuôi trồng, sau thu hoạch là 11,9%, tương đương 804 nghìn tấn/năm, nếu quy đổi thì khoảng 2,3 triệu con cá tra (trọng lượng gần 1kg/con) bị thất thoát mỗi ngày.

Như vậy, trung bình 1/4 lượng thực phẩm sản xuất ra (nhóm rau quả, thịt, thủy hải sản) bị thất thoát trước khi đến được nhà máy sản xuất, hay trung tâm bán lẻ. Con số này cao hơn 5,3% so với các nước trong khu vực, tương đương việc mất đến 3,9 tỷ USD/năm. Nếu tính tổng diện tích đất nông nghiệp Việt Nam hiện có là 117.100km2, quy đổi cho 25,5% mức thất thoát thực phẩm trung trình thì tổng mức thất thoát thực phẩm này tương đương với 9% diện tích đất đai cả nước (bằng diện tích gộp của TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp).

Sở dĩ thất thoát thực phẩm ở Việt Nam cao như vậy là do thị trường tiêu dùng thực phẩm nội địa chưa có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe. Các DN kinh doanh chuỗi thực phẩm nội địa phần lớn giữ sản phẩm tươi bằng việc rút ngắn thời gian và khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, để thực phẩm từ nông trại đến hộ gia đình tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất. Đây là phương thức rất lỗi thời trong giai đoạn ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại như hiện nay.

Tại các địa phương có thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản, rau quả, thịt gia súc gia cầm, hiện chỉ có 14% hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng giải pháp cung ứng lạnh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đây là các hộ hoặc DN sản xuất thực phẩm xuất khẩu, do đặc thù yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu, bắt buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe. Trong khi đó, tại thị trường tiêu dùng thực phẩm nội địa, các DN lại xem cung ứng lạnh làm tăng chi phí sản phẩm hơn coi đây là giải pháp tăng chất lượng và thời gian sử dụng của sản phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang cùng các nước thuộc khối APEC hướng đến mục tiêu giảm được 10% thất thoát, lãng phí thực phẩm vào năm 2020. Giải pháp được đưa ra là cải thiện việc bảo quản sau thu hoạch, phân phối thực phẩm hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh trên chuỗi sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp đang xây dựng chương trình phát triển chuỗi giá trị trên ba nhóm ngành hàng, là nhóm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhóm hàng có năng lực cạnh tranh cấp địa phương và ngành hàng đặc sản địa phương. Từ đây, hình thành chuỗi liên kết lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản lạnh sau thu hoạch và trong quá trình phân phối.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều