Gian nan như DN đầu tư thương hiệu

14:00 | 14/07/2017

Trong quá trình đăng ký quyền sở hữu thương hiệu, Vietnam Airlines phát hiện hàng nghìn điểm bán vé mà chưa được sự chấp nhận của Vietnam Airlines. 

Hòa Phát - thương hiệu giá trị thứ 13 tại Việt Nam
Giá trị thương hiệu của Vinamilk đạt hơn 1,7 tỷ USD - đứng đầu DN Việt Nam
Định vị thương hiệu trong dòng chảy thông tin

Vietnam Airlines là một thương hiệu lớn ở Việt Nam và cũng sớm có ý thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thương hiệu. Nhưng khâu bảo vệ trong vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn khiến Vietnam Airlines không ngớt những cơn “đau đầu”.

Cho đến thời điểm này Vietnam Airlines đã đăng ký bản quyền thương hiệu tại 94 quốc gia trên thế giới, có thể đánh giá rất ít DN trong nước làm được chuyện này. Ông Nguyễn Thi Sơn, cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ Vietnam Airlines cho biết, công tác bảo hộ thương hiệu Vietnam Airlines đang làm rất tốt, hãng cũng nhận được sự “yểm trợ” đắc lực từ Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, hiện nay Vietnam Airlines mới chỉ tiến hành giải quyết vi phạm với những đối tượng đăng ký bảo hộ gây nhầm lẫn hoặc sử dụng trái phép nhãn hiệu do Vietnam Airlines đăng ký. Tức là chỉ mới xử lý vi phạm ở mức độ thông qua một cơ quan quản lý nhà nước đó là Cục Sở hữu trí tuệ. Trong khi, vấn đề Vietnam Airlines đang gặp rắc rối là đang có quá nhiều các cơ sở tự nhận mình là đại lý để ăn theo nhãn hiệu, hình ảnh và danh tiếng Vietnam Airlines trên thị trường. Đây là vấn đề lớn nhất mà Vietnam Airlines chưa thể giải quyết dứt điểm.

gian nan nhu dn dau tu thuong hieu

Cụ thể, trong quá trình đăng ký quyền sở hữu thương hiệu, Vietnam Airlines phát hiện hàng nghìn điểm bán vé mà chưa được sự chấp nhận của Vietnam Airlines. Người vi phạm không phải mang chữ Vietnam Airlines để kinh doanh vận tải hàng không hay cạnh tranh lại với Vietnam Airlines, mà họ sản xuất các hàng hóa dịch vụ có hình ảnh, nhãn hiệu của Vietnam Airlines nhằm trục lợi. Ví dụ, với hàng nghìn điểm bán vé vi phạm, họ lấy tên Vietnam Airlines nhưng lại thu thêm phí dịch vụ, đến khi xảy ra kiện tụng thì khách hàng lại chỉ biết quay ra “bắt đền” Vietnam Airlines.

Cũng theo ông Sơn, dịch vụ của Vietnam Airlines hiện nay tương đương 4 sao, được đánh giá rất cao so với thế giới. Để đạt được chất lượng 4 sao, thì tất cả những dịch vụ đi kèm như chai nước, tăm, dao, thìa, dĩa, khăn… phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng buồn là Vietnam Airlines đang bị lợi dụng hình ảnh và chất lượng này một cách công khai.

Mặc dù hiện nay có rất nhiều chế tài để xử lý những trường hợp này, luật cũng quy định rất rõ chính quyền địa phương, cơ quan công an và quản lý thị trường đều có đủ thẩm quyền xử phạt. Thế nhưng thực tế cũng mới chỉ “phanh” được ở Cục Sở hữu trí tuệ, còn với chính quyền địa phương, quản lý thị trường hay công an thì chưa… phối hợp được.

Bởi khi Vietnam Airlines đặt vấn đề thì chính quyền địa phương hay công an lại hiểu câu chuyện hoàn toàn khác, dù rằng luật đã quy định trách nhiệm của những cơ quan này nhưng khi DN đề nghị cùng hợp tác thì chỉ nhận lại được là sự thờ ơ, thậm chí từ chối không làm. Mà nếu có làm thì họ cũng thẳng thắn đặt vấn đề theo kiểu khác, chứ không theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ với những vụ án thực sự lớn, nghiêm trọng thì các đơn vị này mới vào cuộc.

“Không chỉ riêng Vietnam Airlines, rất nhiều DN khác cũng đang mắc ở vấn đề này. Tôi không hiểu họ đang được giao nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ cùng DN nhưng lại đang nghĩ cái gì”, ông Sơn bức xúc.

Trong khi đó, ông Vũ An Khang, Giám đốc công ty thẩm định giá Việt Nam cũng thừa nhận những nguyên tắc cứng nhắc của những người thực thi pháp luật. Ông Khang dẫn chứng một ví dụ về sự “lạnh lùng”, chỉ biết tuân thủ các quy phạm pháp luật của kiểm toán nhà nước, “có cái gì thì tính cái đó”, thậm chí chưa phù hợp với thực tiễn nhưng một khi văn bản chưa sửa thì vẫn “cứ thế mà làm”.

Mới đây, ông Khang gặp phải tình huống dở khóc dở cười, văn bản trước ban hành văn bản sau chỉ có mấy ngày, nhưng kiểm toán vẫn yêu cầu ông phải áp dụng văn bản cũ, dù biết nó đã bị lạc hậu.

Đồng cảm cùng Vietnam Airlines, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ dẫn ra ví dụ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Hai Tỏ xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc nhưng đã có DN Trung Quốc “hớt tay trên” đăng ký nhãn hiệu trước. Nhưng rất may mắn, bà Hai Tỏ đã cùng với đối tác của mình đã tự “chiến đấu” dành lại được nhãn hiệu của mình mà không cần cầu viện đến cơ quan chức năng trong nước, vì bà chỉ lo “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Hương Việt

Tin đọc nhiều