Gian nan thương mại hóa tri thức

14:23 | 13/04/2015

Công nghệ được xem là một trong những nút thắt khiến cho DN Việt Nam chưa tạo được sự đột phá và sáng tạo cho sản phẩm của mình.

gian nan thuong mai hoa tri thuc
Ảnh minh họa

“Đơn thương độc mã”

Căn phòng thí nghiệm nhỏ ngổn ngang các thùng sơn trên sàn nhà, các nguyên liệu bày biện trên giá và rất ít thiết bị thí nghiệm tại Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh hơn 20 năm về trước, ít ai ngờ lại là nơi hình thành nên một phát kiến tầm cỡ, được thế giới ghi nhận.

Năm 1993, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe được nhận giải thưởng Kovalevskaya - giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà nữ khoa học - cho công trình nghiên cứu về sơn và chống thấm. Cũng từ đây, ý tưởng hình thành trong căn phòng thí nghiệm kể trên từng bước được thương mại hóa.

Ngày nay, sơn KOVA có tiếng vì khả năng thích ứng với khí hậu nhiệt đới và các môi trường đặc biệt khắc nghiệt. Hàng chục đại sứ quán các nước sử dụng thương hiệu sơn này, hàng trăm nhà máy công nghiệp quy mô lớn cũng ưa dùng sơn KOVA. Từ vạch sơn trên đường quốc lộ đến các công trình kiến trúc nhũ vàng óng, KOVA đều thể hiện tính năng vượt trội về bám dính, bền, nhanh khô ngay trong thời tiết nồm ẩm…

Nắm bắt được công nghệ, tạo ra được sự đột phá và sáng tạo cho sản phẩm của mình, nhưng khi thương mại hóa ý tưởng của mình, KOVA gặp không ít rào cản, thách thức về mọi mặt, từ vốn, con người đến xây dựng và phát triển thị trường.

PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn KOVA chia sẻ, lúc mới bắt tay vào làm dự án, không có vốn cũng không thể xin trợ cấp của Nhà nước, không thể vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, DN đã phải vay ngoài với lãi suất cao. Chưa kể, có những nhân sự bán công nghệ ra bên ngoài, các sản phẩm của KOVA bị làm giả đã ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của DN.

“Trong 5 năm đầu khó khăn tưởng chừng không vượt qua, không có tiền trả lương, không có tiền nhập hóa chất sản xuất, tôi đã phải bán nhà ở Cần Thơ, bán xe máy để mua vé máy bay sang Mỹ”, bà Hòe cho biết.

Rất may sau 2 tháng làm việc tại các phòng thí nghiệm của Mỹ, chất lượng sơn KOVA được công nhận với nhiều tính năng ưu việt. Thời gian này bà Hòe cũng tạo dựng mối quan hệ thân thiết với một số nhà nghiên cứu và DN Mỹ.

“Họ đã cho tôi vay tiền mua vật tư không lấy lãi, giúp tôi thiết bị, nên bước đầu chúng tôi vượt qua khó khăn về vốn. Sau 3 năm sản phẩm đã có tiếng vang trên thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó nhưng lỗ nhiều. Tôi may mắn được chuyên gia Mỹ dạy kinh nghiệm về thương mại, vấn đề là chưa tính giá đúng, tính đủ. Sau đó, chúng tôi đã khắc phục và lợi nhuận bắt đầu có, có tiền trả lương công nhân”, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe nhớ lại.

Ở điều kiện thuận lợi hơn về vốn, song công nghệ nuôi bò sữa hiện đại của Tập đoàn TH True Milk cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Đại diện của Tập đoàn này cho biết, dự án hoạt động trong bối cảnh các hộ nuôi bò sữa ở Nghệ An phần lớn đều thất bại.

Do đó, ngay cả lãnh đạo, cán bộ, nhân dân, chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi cũng có chút hoài nghi về sự thành công của mô hình này. Do đó, để khẳng định tính khả thi của dự án, tạo dựng được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, Tập đoàn TH True Milk đã phải vượt qua không ít thách thức.

Cần cơ chế phù hợp

Sơn KOVA hay sữa TH True Milk là số ít thương hiệu ghi được dấu ấn trên thị trường khi ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều DN khác đã không thể “đến đích” lợi nhuận.

Ở góc độ toàn nền kinh tế, theo báo cáo “Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam đến năm 2020 - 2030” của WB, chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của Việt Nam xếp thứ 104/146 quốc gia, vùng lãnh thổ, tương ứng 3,4 điểm (thang điểm 10), thuộc nhóm trung bình thấp. Đặc biệt, khi so sánh trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên 4 nước là Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar.

Nguyên nhân chính là một số trụ cột của kinh tế tri thức còn tồn tại những hạn chế: môi trường kinh doanh và thể chế xếp thứ 84/144; hệ số đổi mới xếp 113/146… Đáng chú ý là Chỉ số sáng tạo toàn cầu - chỉ số thể hiện năng lực khoa học công nghệ - của Việt Nam năm 2011 đứng thứ 51/125 thì đến năm 2012 tụt sâu xuống 76/141 và hiện vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Trở lại câu chuyện đầu tư của các DN, thực tế cho thấy dù có rất nhiều rào cản nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại “quả ngọt”. Đối với TH True Milk, sau gần 5 năm ra đời DN này đã cung cấp ra thị trường hơn 30 sản phẩm sữa, giành được 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam, trở thành nhà sản xuất sữa tươi hàng đầu.

Đặc biệt, TH True Milk còn góp phần chủ lực giảm tỷ lệ nhập khẩu sữa bột xuống còn 70%. Còn với sơn KOVA, ngoài việc xây dựng 7 nhà máy ở Việt Nam và các nước, DN đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Singapore, Mỹ…

Tuy nhiên, con đường thương mại hóa tri thức của DN xem ra vẫn còn quá gian nan, khi theo đánh giá của GS. Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc chuyển đổi sang kinh tế tri thức vẫn chỉ diễn ra ở một số DN tư nhân lớn, DN FDI, còn các DNNN, DNNVV vẫn chưa phát huy được nhiều các thành tựu nghiên cứu, khoa học hiện đại.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh DN tư nhân không đủ nguồn lực để tiếp cận tư duy mới, công nghệ nguồn của các nước phát triển thì rất cần sự đổi mới của cơ chế thể chế quản lý, minh bạch môi trường kinh doanh, hành chính công, trong đó vai trò của Nhà nước phải được xem là kiến tạo phát triển và giao quyền mạnh mẽ hơn.

Còn từ thực tế hoạt động của mình, các DN cho rằng hiện vẫn tồn tại nhiều cơ chế trung gian kìm hãm sản xuất. Các DN kiến nghị cần có chính sách cụ thể như giảm thuế cho sản phẩm khoa học để thương mại hóa thành công các phát kiến, nuôi dưỡng ý tưởng khoa học, tạo điều kiện đất đai, tín dụng, giảm bớt cơ chế trung gian tránh tiêu cực, đảm bảo tính minh bạch của thị trường…

Hà Sơn

Tin đọc nhiều