Gỗ rớt giá, doanh nghiệp lo “chữa cháy”

11:33 | 01/06/2015

Để giải quyết những khó khăn hiện nay, các DN kinh doanh gỗ có rất ít sự lựa chọn. Một là chấp nhận bán tống, bán tháo với giá rẻ để cắt lỗ; hoặc trữ gỗ chờ giá lên, nhưng cũng phải oằn lưng với các chi phí phát sinh.

Hàng chất đống

Thời gian này, nếu đi từ TP. Đông Hà (Quảng Trị) theo Quốc lộ 9 ngược lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, người ta sẽ thấy hai bên đường xuất hiện nhiều đống gỗ cao ngất, trùm bạt kín mít. Đây là những kho hàng bất đắc dĩ của các DN kinh doanh gỗ trên địa bàn đã lỡ nhập từ Lào về, nhưng do thị trường Trung Quốc lại “trở chứng”, không xuất đi được nên đành phải nằm chờ ở đây.

go rot gia doanh nghiep lo chua chay
Gỗ nhập về qua cửa khẩu Lao Bảo

Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Trị, năm 2014, đã có khoảng 172 nghìn m3 gỗ thông quan từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, con số này tại Cửa khẩu quốc tế La Lay nằm trên địa bàn huyện Đăkrông cũng xấp xỉ 80 nghìn m3. Từ đầu năm 2015 đến nay, cũng đã có gần 100 nghìn m3 gỗ được các DN nhập về qua 2 cửa khẩu trên. Gỗ nhập về rất nhiều, nhưng giá trên thị trường lại đang rớt thê thảm.

Đặc biệt, đối với các loại gỗ do các DN ở Quảng Trị thường nhập từ Lào về như: hương, cẩm xe, trắc, lim… biên độ giảm dao động từ 15 - 40%. Hiện, lượng gỗ tồn kho của các DN tại Quảng Trị lên đến hàng trăm ngàn m3, giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tình cảnh này đã đẩy nhiều DN kinh doanh mặt hàng gỗ trên địa bàn rơi vào cảnh lao đao, thậm chí có DN đang đứng trên bờ vực phá sản.

Công ty Tâm Tâm có trụ sở tại TP. Đông Hà, một trong những DN xuất khẩu gỗ có tiếng ở Quảng Trị, nay cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Liêm, giám đốc công ty cho biết, hiện DN đang tồn đọng khoảng gần 6 nghìn m3 gỗ trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Do gỗ rớt giá, không “đẩy” được hàng đi đã khiến DN lao đao. Nếu kéo dài, không có lối thoát dễ đẩy DN đến nguy cơ phá sản.

Tương tự, theo ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch hiệp hội DN kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản tỉnh Quảng Trị, nếu từ nay đến cuối năm, hàng không bán được thì rất nhiều DN sẽ rơi vào cảnh phá sản. Chỉ những DN nào thật sự có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh mới mong chèo chống qua được những khó khăn như hiện nay.

Tìm giải pháp “chữa cháy”

Trên địa bàn Quảng Trị hiện có khoảng 150 DN chuyên nhập gỗ từ Lào về rồi xuất sang Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu tập trung ở TP. Đông Hà, khu vực Lao Bảo, huyện Hướng Hoá… Ngược lại thời gian, cách đây chỉ vài năm khi thị trường đang ổn định, việc kinh doanh gỗ ở Quảng Trị rất ăn nên làm ra. Nhiều DN xuất nhập khẩu gỗ được thành lập chỉ trong một thời gian ngắn. Và không ít DN cũng “phất” lên nhờ mặt hàng này.

Tuy nhiên, cũng như nhiều “đồng nghiệp” khác, các DN kinh doanh mặt hàng này tại Quảng Trị đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ước tính có khoảng gần 90% đơn hàng xuất khẩu gỗ ở Quảng Trị xuất sang thị trường này. Cũng do tập trung quá nhiều vào một thị trường, nên khi có biến động, giá giảm, ngừng nhập khẩu thì DN... “chết đứng” và bế tắc là điều khó tránh khỏi.

Và để giải quyết những khó khăn hiện nay, các DN kinh doanh gỗ có rất ít sự lựa chọn. Một là chấp nhận bán tống, bán tháo với giá rẻ để cắt lỗ; hoặc trữ gỗ chờ giá lên, nhưng cũng phải oằn lưng với các chi phí phát sinh.

Để “chữa cháy” hiện một số DN xuất khẩu gỗ ở Quảng Trị đã lên kế hoạch xẻ gỗ thành những phách nhỏ để vận chuyển đi bán ở các tỉnh, thành khác; hoặc kết hợp với các DN sản xuất chế biến thành các sản phẩm gia dụng. Chia sẻ khó khăn với các DN, các NHTM trên địa bàn Quảng Trị đã và đang triển khai những giải pháp hỗ trợ.

Theo ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Trị, trước nguy cơ phá sản của nhiều DN, để hỗ trợ kịp thời đối với những DN có nguyện vọng, ngân hàng sẽ tạo điều kiện bằng việc giãn nợ hoặc khoanh nợ để họ có thêm điều kiệnvượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Nghi Lộc

Tin đọc nhiều