Gợi mở cho đầu tư ngành gạo

17:00 | 26/02/2018

Việc T&T trở thành cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa Vinafood 2 mở ra kỳ vọng thúc đẩy thị trường hóa hoạt động xuất khẩu gạo gắn với xây dựng thương hiệu

DN xuất khẩu gạo gia tăng giá trị thương phẩm
Nâng chất lượng gạo để xuất khẩu bền vững
Dự kiến xuất khẩu vượt mục tiêu 400 nghìn tấn gạo

Tuần vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chính thức phê duyệt tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Với việc nới rộng yêu cầu về vốn điều lệ và bỏ các tiêu chí về “tổng tài sản tối thiểu” và “tỷ suất lợi nhuận tối thiểu”, CTCP Tập đoàn T&T đã trở thành đơn vị duy nhất được chọn làm cổ đông chiến lược, tham gia tái cấu trúc DN lớn nhất ngành lúa gạo này.

goi mo cho dau tu nganh gao
Thương hiệu gạo Việt xuất khẩu được kỳ vọng xây dựng tốt hơn

Chiến lược nông nghiệp dài hạn

Trước khi trở thành đơn vị duy nhất đủ hồ sơ pháp lý để được chọn làm cổ đông chiến lược tham gia cổ phần hóa Vinafood 2, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từng được giới quan sát đánh giá là một DN có tham vọng nhắm đến các vị trí “đất vàng” khi chi tiền vào các thương vụ cổ phần hóa các DNNN. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn này, có vẻ nhận định trên chưa thật sự thuyết phục. Bởi chỉ trong vòng 3 năm (2015-2017) tập đoàn này đã chi ra khoảng gần 2.500 tỷ đồng để nắm quyền chi phối nhiều DN lớn trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, trong năm 2015, T&T đã bỏ ra 490 tỷ đồng, mua 98% cổ phần của CTCP Cảng Quảng Ninh từ tay Vinalines. Việc thâu tóm này giúp T&T chi phối mạnh mẽ ngành nông nghiệp phía Bắc. Bởi đến thời điểm cuối 2017, Cảng Quảng Ninh có vốn đầu tư 160 tỷ đồng tại Tổng công ty Rau quả Việt Nam (Vegetexco) và có khoản phải trả 247 tỷ đồng cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Việt Nam (Vigecam). Sau khi thâu tóm xong Cảng Quảng Ninh, T&T tiến thêm một bước, mua 50% vốn của Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội). Tập đoàn này lập tức mạnh tay chi tiếp 585 tỷ đồng để mua 60% vốn của Vegetexco và 70% vốn của Vigecam.

Cuối 2016, sau khi chi đậm 1.400 tỷ đồng, mua 40% vốn của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), T&T chính thức bước vào hành trình khá giống với cách làm của Vingroup, đó là xây dựng hệ thống chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản khép kín và định hình thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn này bỏ vốn thành lập Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp cuộc sống xanh T&T và ra mắt thương hiệu T.Vita.

Với hạ tầng sẵn có của Unimex Hà Nội - một đơn vị thành viên của Hapro với hàng trăm cửa hàng tiện lợi - rõ ràng đích ngắm của T&T không dừng lại ở những mảnh “đất vàng” mà có sự tính toán dài hơi hơn trong cuộc cạnh tranh chi phối các DN có yếu tố nông nghiệp và những đầu mối xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phía Bắc và toàn quốc.

Điểm tựa xóa cảnh “nằm đợi giao việc”

Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2017, mức nợ vay của Vinafood 2 đã có sự chuyển biến tích cực khi giảm được trên 1.600 tỷ đồng so với tổng nợ vay 4.550 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2017. Hiện, Vinafood 2 đã thoái vốn ở 19/25 đơn vị với tổng giá trị thu lại khoảng 395 tỷ đồng. Việc cắt giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý DN cũng giúp lợi nhuận sau thuế từng bước cải thiện. Tuy nhiên, do vẫn chủ yếu “sống” nhờ vào các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung (được ký giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các quốc gia nhập khẩu) nên cảnh “ngồi đợi giao việc” vẫn là cảnh phổ biến ở các công ty thành viên của “đại gia” ngành gạo này.

Chính vì vậy, khi có sự tham gia của T&T trong vai trò cổ đông chiến lược, yếu tố thị trường có thể sẽ được đẩy nhanh trong hoạt động tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu thương mại và xây dựng giá trị thương hiệu. Bởi theo tính toán hiện nay, để mua 25% vốn Vinafood 2, T&T sẽ chi ra khoảng 1.200 tỷ đồng. Số vốn thu được sau cổ phần này sẽ là cơ sở giúp Vinafood 2 chủ động hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2015-2020 như: xây dựng vùng nguyên liệu 800.000 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và xây dựng nhãn hiệu gạo theo hai cấp (cấp 1 là nhãn hiệu riêng từng loại gạo đặc sản địa phương, cấp 2 là thương hiệu gạo mang tên Vinafood 2) mà không phải quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng đến từ các hợp đồng hợp tác với các NHTM.

Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực bãi bỏ một số quy định khắt khe về kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010 thì việc tham gia của một tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực tài chính lớn như T&T trong quá trình cổ phần hóa Vinafood 2 chính là một cú hích rất lớn để các DN ngành lúa gạo thay đổi tư duy sản xuất - xuất khẩu. Bởi với cơ chế mới sau khi cổ phần hóa, phần vốn nhà nước tại Vinafood 2 chỉ còn 51%. Thế độc quyền phân chia hợp đồng tập trung tồn tại nhiều năm nay sẽ bị phá vỡ, thay vào đó cuộc cạnh tranh giữa các DN xuất khẩu gạo sẽ dần chuyển sang cơ chế mới, khốc liệt nhưng thực chất hơn.

Theo kế hoạch, ngày 14/3 tới Vinafood 2 sẽ chính thức IPO gần 115 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Sau cổ phần hóa, Vinafood 2 sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần. 51% vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ, 25% vốn điều lệ là nhà đầu tư chiến lược và 22,9% là nhà đầu tư thông thường.

T&T được xác định là DN có năng lực tài chính với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 đều có lãi. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị T&T từng có kinh nghiệm tái cấu trúc Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) khỏi bờ vực phá sản năm 2012 và đã tham gia điều hành DN này đến giữa năm 2015 thì bàn giao chức chủ tịch cho người khác. Để mua trọn 125 triệu cổ phần Vinafood 2, tạm tính theo giá khởi điểm, T&T sẽ phải bỏ ra khoảng 1.262 tỷ đồng.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều