Hải Phòng: Điểm sáng thu hút đầu tư

08:04 | 09/08/2019

Là một trong những thành phố có chỉ số phát triển công nghiệp cao của cả nước, Hải Phòng còn được đánh giá là có môi trường đầu tư thuận lợi.

Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp Hải Phòng đang có sự bứt phá khá ngoạn mục. Theo UBND TP. Hải Phòng, trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4, có 30 ngành có chỉ số sản xuất tăng trong tháng 7/2019. Trong đó, sản xuất mô tơ, máy phát điện tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất với mức 217,88%. Tiếp theo, ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng 106,13%; ngành sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép đứng thứ 3 với mức tăng 86,76%... Điều này cho thấy các DN ngành công nghiệp Hải Phòng đã có những nỗ lực vươn lên mạnh mẽ và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

hai phong diem sang thu hut dau tu
Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast có tổng mức đầu tư 70.337 nghìn tỷ đồng

Là một trong những thành phố có chỉ số phát triển công nghiệp cao của cả nước, Hải Phòng còn được đánh giá là có môi trường đầu tư thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thời gian qua với nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thành phố đã thu hút rất nhiều DN cả trong và ngoài nước đầu tư vào ngành công nghiệp. Với chỉ số năng lực cạnh tranh xếp thứ 9/63 trong các tỉnh, thành phố; tăng 12 bậc so với năm trước đó. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 5/63 và Chỉ số đo lường sự hài lòng của nhân dân và DN xếp thứ 8/63. Do đó Hải Phòng có nhiều lợi thế để thu hút các DN.

Theo thống kê, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng trong tháng 7/2019 ước tăng 1,31% so với tháng trước và tăng 26,31% so với cùng kỳ. Dự tính 7 tháng/2019, IIP tiếp tục đà tăng trưởng cao, tăng 23,62% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 25,38%, đóng góp 22,18 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Hải Phòng đã hình thành nhiều ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, công nghệ cao như sản xuất ô tô, sản xuất điện tử; sản xuất máy móc, thiết bị, ngành công nghiệp biển với nhiều DN đóng mới, sửa chữa tàu biển; chế biến thủy sản... và bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, đã có nhiều DN phát triển bứt phá góp phần quan trọng đối với tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thành phố. Dự án công nghiệp nổi bật phải kể đến Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, quy mô 335 ha với tổng mức đầu tư 70.337 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tổng sản lượng sản xuất cho thị trường là 500.000 xe ô tô/năm và hướng tới 1.000.000 xe ô tô/năm; 100.000 xe máy và xe đạp điện/năm, hướng tới đạt 250.000 xe/năm. Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, sản lượng ô tô của nhà máy trong tháng 7/2019 dự kiến đạt cao hơn tháng trước, tập trung chủ yếu ở các dòng xe cỡ nhỏ.

Hiện nay, Hải Phòng có 13 KCN được phê duyệt quy hoạch, gồm 9 KCN trong khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 4 KCN nằm ngoài khu Kinh tế. Đây là những lợi thế thu hút nhiều DN FDI đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Hiện đầu tư FDI đang chiếm đến 75% dự án sản xuất công nghiệp của Hải Phòng. Từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều DN FDI tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất các dự án công nghiệp. Theo đó các DN FDI như các công ty TNHH Kyocera, Rorze Robotech, LS Vina, may Reginal tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng công suất…; 3 DN thuộc tập đoàn LG trong 7 tháng/2019 đều có sản lượng tiếp tục ổn định, trong đó công ty TNHH LG Electronics từ tháng 7/2019 đã đưa 3 dây chuyền sản xuất điện thoại và 1 chuyền bản mạch được chuyển dịch từ Hàn Quốc sang nhà máy tại Hải Phòng vào vận hành chính thức.

Theo thông tin từ UBND TP. Hải Phòng, để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực và có nhiều chính sách hỗ trợ DN. Bên cạnh những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng thì thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền và DN để tháo gỡ những vướng mắc mà DN gặp phải. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng tích cực vào cuộc như Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ các DN.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc NHNN chi nhánh Hải Phòng cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã rất tích cực thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND thành phố về mở rộng tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ DN trên địa bàn. Điểm nổi bật của ngành Ngân hàng Hải Phòng từ đầu năm đến nay là dòng vốn đã đi trúng đích, đồng hành rất đắc lực với DN, hộ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định, cơ cấu tín dụng ngày càng hợp lý, các NHTM tập trung nguồn vốn nhiều hơn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các TCTD đã đẩy mạnh chương trình kết nối NH - DN.

Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến 30/6/2019 đạt 121.902 tỷ đồng, tăng 14,22% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8,33% so với đầu năm. Con số này cao hơn bình quân chung của cả nước (7,33%). Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh của DNNVV đạt 38.931 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cuối năm 2018; Cho vay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có dư nợ đạt 910 tỷ đồng. Các lĩnh vực khác như cho vay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai có kết quả.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp, trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 thì đến năm 2030, Hải Phòng sẽ là thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều