Hạn chế trong tiếp cận thông tin Doanh nghiệp: Cần giải quyết thấu đáo

14:29 | 30/10/2015

DN là chủ thể chính của các giao dịch tài chính, tiền tệ trên thị trường kinh tế, đây cũng là đối tượng khách hàng chủ yếu và quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (TC-NH). Khi có sự thay đổi môi trường pháp lý từ những quy định trong luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật áp dụng đối với DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định giao dịch trên thị trường.

Thông tin DN là cơ sở dữ liệu chính để các tổ chức TC-NH xác định chủ thể, phân tích, đánh giá toàn diện khách hàng trước mỗi giao dịch kinh tế. Thông tin DN đăng ký với cơ quan chức năng khi thành lập và những thay đổi trong quá trình hoạt động là những thông tin phi tài chính cơ bản trong hồ sơ về DN.

Với những quy định trong Luật DN 2014 số 68/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, thay đổi đã tạo điều kiện khuyến khích sự thành lập mới và mở rộng hoạt động của các DN.

Tuy nhiên đối với các tổ chức tín dụng có đặc thù riêng yêu cầu về thông tin DN cần đầy đủ, chính xác, kịp thời, có căn cứ pháp luật và khi Luật DN mới có hiệu lực, việc thu thập, xử lý thông tin về DN đã gặp một số khó khăn, hạn chế khi tiếp cận thông tin.

han che trong tiep can thong tin doanh nghiep can giai quyet thau dao
Xác định đúng loại hình DN là một nghiệp vụ cơ bản khi thành lập hồ sơ khách hàng trong các ngân hàng

Hạn chế thông tin để các tổ chức TC-NH xác định ngành, nghề hoạt động chính của DN. Luật DN mới quy định vẫn phải ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập DN và mỗi khi thay đổi bổ sung phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng trong giấy chứng nhận Đăng ký DN do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại không ghi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.

Thay vì đồng nhất thông tin về DN trong các loại giấy tờ đăng ký với cơ quan luật pháp có thẩm quyền, luật mới cho phép “cắt giảm” thông tin, các DN có thể tự chủ và thay đổi liên tục giữa những lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, ngành nghề, địa bàn, điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Trong khi đây là những thông tin quan trọng, cần rõ ràng và ổn định để xác định đúng chủ thể DN, tránh nhầm lẫn, sai sót trong nhìn nhận, đánh giá phân tích khách hàng của các tổ chức TC-NH. Luật DN 2014 quy định DN hoạt động ngành, nghề nào thì tuân theo pháp luật chuyên ngành của ngành, nghề đó.

Trong trường hợp DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đa ngành nghề, có khi chính DN cũng không xác định được ngành, nghề hoạt động chính của mình. Thiếu sự rõ ràng về thông tin DN sẽ khiến các tổ chức TC-NH gặp khó khăn trong tiếp cận, tìm hiểu, phân tích đánh giá khách hàng và kết quả giao dịch kinh tế có thể gây thiệt hại cho tổ chức khi xác định sai ngành, nghề hoạt động kinh doanh chính của khách hàng.

Hạn chế thông tin khi xác định vốn điều lệ của DN. Luật mới quy định được bỏ việc xác định vốn pháp định đối với mỗi DN. Vốn điều lệ của khách hàng là một chỉ tiêu quan trọng thường sử dụng trong nghiệp vụ phân tích xếp hạng, thẩm định hồ sơ khách hàng trước mỗi giao dịch phát sinh trong lĩnh vực TC-NH.

Khi DN mới thành lập, chưa xác định được vốn chủ sở hữu thực góp của các chủ DN, dựa trên cơ sở các hồ sơ do khách hàng cung cấp, ngân hàng tìm hiểu tư cách của khách hàng như có đủ năng lực tài chính hay không và đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để xem xét khách hàng có đủ điều kiện giao dịch không.

Xác định đúng loại hình DN cũng là một nghiệp vụ cơ bản khi thành lập hồ sơ khách hàng trong các ngân hàng. Theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ giải thích, DN FDI bao gồm: Tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.

Quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 121/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính lại xác định NĐTNN bao gồm cả tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài và các chi nhánh của tổ chức này.

Đó là một số văn bản quy phạm dưới luật được ban hành để hướng dẫn luật có sự thiếu thống nhất thể hiện rất rõ. Theo Nghị định 61/2013/NĐ – CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ, chỉ có DN Nhà nước (DNNN) có những quy định về công khai thông tin của DN.

Tuy nhiên theo Luật DN mới, DNNN là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, như vậy quy định công khai thông tin của DN theo quy định chỉ áp dụng cho số lượng DN có thể đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó trong thực tế thông tin về các DNNN vẫn là những thông tin chưa công khai, công chúng khó tiếp cận.

Về thông tin người đại diện pháp luật, Luật DN năm 2014 quy định công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật, số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN được quy định tại Điều lệ công ty.

Trong khi đó phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện DN không phải là tài liệu bắt buộc trong Hồ sơ đăng ký thành lập DN. Đối với hệ thống ngân hàng, thông tin về lãnh đạo đăng ký trong hồ sơ được sử dụng để phân tích DN. Trong khi quy định mới không cần đăng ký lý lịch tư pháp của người đại diện là một khó khăn cho sự xác định thông tin của lãnh đạo DN trong nghiệp vụ ngân hàng.

Với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ liên quan trực tiếp tới các DN, để có số lượng lớn thông tin tín dụng của DN phục vụ quản lý nhà nước, dự báo thị trường, hoạt động kinh doanh ngân hàng…

Hiện nay, khi cần thu thập thông tin về DN vẫn chưa có “kho thông tin” đầy đủ, chính xác để cập nhật, khai thác. Chưa có sự liên kết giữa các bộ, ban, ngành chủ quản khác nhau để khai thác thông tin cơ bản của DN hoạt động kinh doanh trong cả nước. Thông tin đăng ký của DN chỉ luân chuyển trong một số cơ quan nội bộ hạn chế trong khi nhu cầu sử dụng thông tin về các DN là rất lớn không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn có các tổ chức, cá nhân độc lập.

Với công chúng, trong môi trường kinh tế hiện nay có nhiều luồng thông tin đa chiều, trong quá trình hoạt động kinh doanh các nhà đầu tư cần cơ quan nhà nước tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, thuận lợi để tiếp cận, khai thác thông tin về khách hàng, đối tác đầy đủ, phù hợp, chất lượng để đánh giá một cách toàn diện về DN đó.

Bên cạnh đó, luật nên đi kèm các văn bản dưới luật hướng dẫn đồng nhất, rõ ràng, cụ thể để các tổ chức kinh tế, công chúng thuận lợi trong tiếp cận và khai thác thông tin. Không nên siết chặt việc thành lập mới, mở rộng hoạt động và phát triển mạnh mẽ của các DN nhưng cũng không nên quá nới lỏng trong quản lý, cần xác định được số lượng thành lập và hoạt động thực sự của các DN.

TS. Nguyễn Hữu Đương

Tin đọc nhiều