Hàng không thúc đẩy du lịch tăng tốc

10:44 | 14/12/2018

Cơ sở hạ tầng hàng không đang trở thành một trong những “nút thắt” trong thu hút khách du lịch quốc tế của du lịch Việt Nam...

Năm 2018, hàng không Việt Nam vận chuyển trên 50 triệu hành khách
Bamboo Airways chính thức nhận giấy phép bay

Những số liệu được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 một lần nữa khẳng định sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm của du lịch Việt Nam đạt 30% trong 3 năm qua.

hang khong thuc day du lich tang toc
Hãng hàng không Bamboo Airways đang chuẩn bị phục vụ khách hàng

Năm 2017, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên thế giới, thu hút 15 tỷ USD giá trị FDI vào lĩnh vực du lịch, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người…

Song trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, doanh thu từ khách quốc tế của Việt Nam còn kém xa. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng Indonesia đã thu 12,6 tỷ USD, còn Singapore - 18,4 tỷ USD và con số này từ Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Nếu như mức chi tiêu của khách tại Singapore là 1.105 USD, tại Indonesia là 1.109 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD, thì đến Việt Nam chỉ khoảng 96 USD, đây là sự chênh lệch quá lớn.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam dự báo, trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách quốc tế, bằng với Thái Lan bây giờ, nhưng cần phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt tăng cường hạ tầng sân bay càng nhanh càng tốt. Bởi 2 sân bay quốc tế lớn nhất hiện nay đã quá tải. Vì vậy, cần càng nhanh càng tốt nâng cấp hạ tầng, không chỉ là sân bay, mà còn là hạ tầng kết nối sân bay với trung tâm thành phố.

Việt Nam có số lượng chuyến bay thẳng thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là tới khu vực Trung Đông, đó cũng là một hạn chế kéo giảm du khách tới Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải tại một số cảng hàng không như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng diễn ra ngày càng thường xuyên không chỉ làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam.

Đề cập về tình trạng quá tải ở các sân bay Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động bay, ông Lee Seok Ju - CEO của Hãng hàng không giá rẻ Jeju Air - Hàn Quốc thừa nhận, nỗi lo hiện nay khi các sân bay ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang có tình trạng quá tải gây không ít khó khăn cho hoạt động khai thác.

Chính phủ Hàn Quốc có những quy định khắt khe, yêu cầu hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến, đặc biệt là các chặng bay quốc tế. Ngoài ra, nhiều hành khách cũng rất nhạy cảm với vấn đề này và ảnh hưởng đến cả uy tín của hãng hàng không.

Nếu hãng bay có tỷ lệ chậm chuyến cao, khi mở đường bay mới sẽ không được cấp phép nên việc cạnh tranh nâng cao tỷ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không rất khốc liệt. Hiện tại chúng tôi cũng hạn chế tối đa chậm chuyến, cố gắng đạt tỷ lệ 90% chuyến bay cất cánh đúng giờ, ông Lee Seok Ju cho biết thêm.

Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng hàng không trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ hai là Trung Quốc. Lượng khách đến cùng kỳ cũng tăng nhanh nhất khu vực. Còn trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay cũng đang tăng nhanh. Các chuyên gia kinh tế ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng hết nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Thực tế thời gian qua, mới chỉ có công ty TNHH Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways vừa mới chính thức được Bộ Giao thông – Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Còn giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar phải chờ đến khi hoàn thành mở rộng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… Trong khi cơ sở hạ tầng hàng không đang trở thành một trong những “nút thắt” trong thu hút khách du lịch quốc tế của du lịch Việt Nam. Hiện Việt Nam mới có 21 sân bay với tổng công suất 75 triệu khách/năm, trong khi con số này của Thái Lan là 38.

Thực tế, các sân bay của Việt Nam đã phục vụ 95 triệu khách vào năm ngoái và năm nay dự kiến đạt 105 triệu khách. Hơn 40 năm qua, Việt Nam chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào vận hành sân bay Phú Quốc và sắp tới là sân bay Vân Đồn, còn lại hầu hết được nâng cấp từ sân bay quân sự trên những quỹ đất hạn chế, khiến khả năng mở rộng rất hạn hẹp.

Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng sân bay, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ga, sân bay mới như cách đã làm với sân bay Vân Đồn được Chính phủ bật đèn xanh thực hiện. Bắt tay với nhà đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ mở ra cơ hội cho các nguồn lực mới mà còn mở ra tư duy mới trong thu hút vốn tư nhân.

Đinh Nghị

Tin đọc nhiều