Hàng không Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư?

14:48 | 12/04/2019

Với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc gần 30% trong năm qua, hàng không Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các NĐT tham gia.

Hàng không và du lịch - Cái ‘bắt tay’ nghìn tỷ
Vốn tư nhân - Nguồn lực cần huy động để phát triển hạ tầng hàng không

Đây là một trong những thông tin được các chuyên gia hàng không nhận định tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững” được tổ chức chiều 11/4 tại Bình Định.

hang khong viet nam manh dat mau mo cho cac nha dau tu
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là mô hình thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng hàng không

Theo các chuyên gia, sự kiện Bamboo Airways, hãng hàng không thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC, khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/2019 dường như đã khiến cuộc cạnh trạnh trong thị trường hàng không Việt Nam trở nên sôi động theo hướng tích cực hơn. Theo đó, ngoài việc phải tuân thủ các điều kiện về an ninh an toàn bay, các hãng hàng không sẽ phải cạnh tranh với nhau về việc nâng cao dịch vụ, giá thành và mở rộng khai thác đường bay mới phục vụ cho hệ sinh thái phát triển của đơn vị.

Ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways hoạt động theo mô hình Hybrid, kết hợp linh hoạt các ưu điểm của hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, đáp ứng tất cả các loại nhu cầu khác nhau của hành khách trên cùng một khoang khách.

Cụ thể, về đường bay, mô hình Hybrid sẽ kết hợp cả các đường bay dài và ngắn, giúp đa dạng điểm đến để khách hàng có nhiều lựa chọn. Về định hướng chất lượng, mô hình này sẽ cung cấp các dịch vụ đa dạng, từ đặc biệt cao cấp cho tới các gói giá tốt để khách hàng tuỳ nghi lựa chọn. Tuy nhiên, với bất cứ gói nào, Bamboo Airways xác định cung cấp một chất lượng dịch vụ chuẩn quốc tế duy nhất. Đi kèm với vận chuyển hàng không, Bamboo Airways mang đến nhiều ưu đãi về du lịch - nghỉ dưỡng hấp dẫn tại chuỗi các khách sạn và resort 5 sao thương hiệu FLC trên toàn quốc.

Về mạng lưới đường bay, Bamboo Airways tập trung khai thác các đường bay thẳng kết nối các điểm du lịch đang lên của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, thu hút du khách cũng như nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện Bamboo Airways đang khai thác 17 đường bay nội địa, tiến tới phủ sóng trên hầu hết các sân bay tại Việt Nam trong năm 2019. Kế hoạch bay quốc tế được xúc tiến triển khai ngay từ quý II/2019, với hai điểm đến đầu tiên là Singapore, Nhật Bản trong tháng 4, sau đó là các thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan… Các thị trường châu Âu, châu Úc, Mỹ… đang được nghiên cứu để mở đường bay thẳng ngay trong cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

“Bamboo Airways đặt mục tiêu tăng trưởng 100%/năm, lượt khách vận chuyển khoảng 50 triệu, doanh thu trên 930 triệu USD đến năm 2023, hướng tới trở thành hãng hàng không Hybrid uy tín hàng đầu khu vực vào năm 2025”, ông Thắng cho hay.

Một trong những sự kiện được ghi nhận trong thời gian gần đây là sự kiện Sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đi vào khai thác sử dụng. Sân bay được đầu tư, xây dựng và vận hành bởi Tập đoàn Sun Group. Sở hữu vị trí chiến lược, sân bay Vân Đồn là cửa ngõ giao thông hàng không quan trọng kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, du lịch trong và ngoài nước. Đây là công trình do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư (gồm cả lãi vay) là 7.258 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến 14% tổng chi phí. Thời gian khai thác hoàn vốn cho chủ đầu tư là 45 năm.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, mô hình cảng hàng không Vân Đồn là mô hình thành công trong thực hiện chính sách của nhà nước về huy động các nguồn lực cùng phát triển hạ tầng hàng không. Xã hội hóa nhưng phải bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, gồm Nhà nước, NĐT và xã hội. Thời gian tới, Nhà nước sẽ hoạch định và công bố cảng nào sẽ xã hội hóa được để kêu gọi tư nhân tham gia.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không phải cảng nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp cho DN mà phải cân đối hiệu quả chung trong toàn bộ hệ sinh thái của DN đó. “Nếu cảng Vân Đồn vào khai thác sớm thì các loại hình dịch vụ khác trong hệ sinh thái của Sun Goup sẽ phát triển mạnh mẽ hơn chứ không chỉ thu từ dịch vụ cất hạ cánh”, ông Thanh cho hay.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thì cho biết, trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, các chỉ số tăng trưởng của ngành hàng không rất mạnh mẽ. Nếu năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu thì hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 192 tàu bay. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi.

Một con số khác cũng rất đáng chú ý là nếu năm 2008, số tàu bay sở hữu của chúng ta chỉ có 29 tàu bay, còn lại là tàu bay đi thuê thì nay chúng ta đã sở hữu 57 tàu bay. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số (gần 30%). Đây thực sự là con số mơ ước của nhiều NĐT.

Lý giải câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có rất nhiều lý do, ngoài nhu cầu của tầng lớp trung lưu trẻ, của những người lớn tuổi có tiền, xã hội còn có một bộ phận khác là sự dịch chuyển của người lao động, chưa kể một lượng lớn khách du lịch từ các nước khác sang Việt Nam.

Song, có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phát triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân tăng lên. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này vừa giúp thúc đẩy ngành hàng không tăng trưởng, nhưng cũng vừa là sức ép để hàng không Việt Nam cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và khai thác các đường bay mới.

Ông Thành cũng cho rằng, cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng có cái rất đặc biệt. Cuộc chơi các công ty hàng không và điều hành của Nhà nước số lượng không thể vô hạn như trong taxi hay viễn thông, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó. Đó là cái quan trọng và rất tích cực của hàng không Việt Nam.

“Nếu hiểu cạnh tranh chỉ ở khách hàng thì quá hẹp. Vận tải hàng hóa trong 5 năm qua của Việt Nam nhanh nhất khu vực ASEAN, từ 200 nghìn tấn lên 450 nghìn tấn - đó là lĩnh vực cực kỳ hấp dẫn mà ít người nói tới”, ông Thành cho hay.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều