Hàng thủ công mỹ nghệ có nhiều lợi thế

09:30 | 08/06/2017

Nếu DN Việt chú trọng thêm vào việc xây dựng thương hiệu, bên cạnh sản xuất hàng xuất khẩu gia công đại trà còn đầu tư thêm hàng cao cấp, cung ứng cho ngành thời trang hiện đại, thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt mới thực sự phát triển đúng tầm.

Thủ công mỹ nghệ đổi mới để phát triển
“Chìa khóa” là ở đội ngũ thiết kế, nghệ nhân
hang thu cong my nghe co nhieu loi the
Ảnh minh họa

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, xuất khẩu hàng thủ công của Việt Nam trung bình đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam làm từ mây tre, lục bình đan, đồ gốm và đồ gỗ hiện đang có mặt tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc và Nhật Bản. Số hộ làm hàng thủ công mỹ nghệ ở nông thôn Việt Nam hiện đã tăng 8,8% - 9,8% và giá trị sản xuất tăng 15%/năm trong những năm gần đây.

Cả nước hiện có 5.441 làng nghề, trong đó 1.864 làng nghề truyền thống, với 115 sản phẩm truyền thống được công nhận và tổng số lao động khoảng 1,5 triệu người.

Trước đây, DN, các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ luôn khó khăn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Và quan trọng hơn cả phần lớn là hàng gia công theo đơn đặt hàng nên giá cả, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào nhà nhập khẩu hay nhà phân phối.

Còn hiện tại, trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu, DN Việt đã từng bước tiếp cận với yêu cầu hợp chuẩn hàng hóa của nhiều nhà nhập khẩu và các tập đoàn lớn trên thế giới như Ikea, Walmart, Target… để đáp ứng yêu cầu hợp chuẩn từ nhà cung cấp của họ.

Ngược lại, DN Việt cũng có tiếng nói trong các cam kết về ổn định đơn hàng hàng năm. Đây chính là lợi thế của DN ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hiện nay. Bởi trong quý I/2017, hàng thủ công mỹ nghệ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 650 triệu USD và dự báo cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Với những thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), tiếp theo là Đức và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc EDX Group, là DN đại diện trang thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam nhận định, hàng thủ công mỹ nghệ Việt đã có những thương hiệu mây tre lá nổi tiếng như Xuân Lai, Âu Cơ, Ba Nhất…

Hay mới đây nhất là sản phẩm guốc gỗ chạm khắc thương hiệu Fashion 4 Freedom của Việt Nam cũng được biết đến tại Tuần lễ thời trang New York 2017. Guốc gỗ thương hiệu này cũng xuất khẩu đến 160 quốc gia, nhờ vào việc khai thác, vận dụng nghệ thuật điêu khắc trên gỗ cho hoàng cung và chùa chiền đã bị mai một của Việt Nam vào trong thiết kế.

Nếu DN Việt chú trọng thêm vào việc xây dựng thương hiệu, bên cạnh sản xuất hàng xuất khẩu gia công đại trà còn đầu tư thêm hàng cao cấp, cung ứng cho ngành thời trang hiện đại, thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt mới thực sự phát triển đúng tầm.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều