Hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng: DN hướng đến chuyên nghiệp

10:28 | 11/05/2015

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngành hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ (kim ngạch xuất khẩu trên 6,5 tỷ USD năm 2014).

hang thu cong my nghe qua tang dn huong den chuyen nghiep
Ảnh minh họa

Nếu những năm trước, ngành này chủ yếu sản xuất gia công theo mẫu mã thiết kế của khách hàng, thì từ năm 2014 đã có sự đột phá mới. Các DN, làng nghề đã chủ động đầu tư từ khâu thiết kế đến đổi mới sản phẩm, đa dạng kiểu dáng… tạo được sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu cũng như tăng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

TS. Huỳnh Quốc Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đánh giá, trong một thời gian dài trước đây, việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng của Việt Nam còn manh mún, chủ yếu là gia công, thiếu yếu tố công nghiệp sáng tạo, nên chưa thể làm chủ thị trường và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Theo xu hướng chung, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng thường được chế tác từ những chất liệu truyền thống như sơn mài, gốm, sứ, thổ cẩm, vàng bạc, đá quý, gỗ… Mẫu mã đa dạng khác nhau, nhưng với tính năng chung thường là những sản phẩm mỹ thuật trang trí, đồ gia dụng…

Tính độc đáo của những sản phẩm này chỉ có được khi chúng mang nét riêng hoàn toàn mới lạ, không sao chép, hoặc trùng lặp bất cứ sản phẩm nào đã có, với giá trị vượt trội hẳn so với nước ngoài về mẫu mã, chất liệu và kỹ thuật chế tác. Đây cũng là dòng sản phẩm luôn có đầu ra ổn định, bởi lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh HAWA cho rằng, nếu DN có sản phẩm tự thiết kế, chủ động chào hàng bằng các mẫu mới, thì người mua sẽ có sự lựa chọn nhiều hơn để đặt hàng và đây là lợi thế để DN chủ động bán và sản xuất. Người mua cũng khó có thể ép giá DN.

Để hỗ trợ DN chủ động trong việc tự thiết kế mẫu mã sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, từ năm 2014, Hawa đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu cho hàng nội thất gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ với kỳ vọng thay đổi đột phá trong lối mòn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và qua đó DN có thể tận dụng hết lợi thế của ngành để phát triển.

Thực tế tại thị trường hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay các DN sản xuất ngành hàng này đã có sự thay đổi đáng kể. Đầu tiên là khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm với chất liệu, màu sắc, sự đa dạng và tính thực dụng đối với tiêu dùng trong cuộc sống. Về chất lượng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được DN Việt đầu tư tốt hơn, kết hợp với tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống.

Ông August Wingardh, Giám đốc chuỗi siêu thị nội thất UMA của Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, trong chuỗi siêu thị hàng trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, quà tặng của UMA có đến 75% là hàng Việt Nam, nhưng khách hàng vẫn rất ưa chuộng chứ không nhất thiết là hàng nhập khẩu.

“Chúng tôi chọn sản phẩm từ nhiều DN sản xuất (cả DN lớn và nhỏ) của Việt Nam, với yêu cầu sản phẩm hợp thời, theo xu hướng tiêu dùng xanh (đẹp nhưng phải an toàn, tiện dụng) và thiết thực với các hộ gia đình hiện đại”, ông nói.

DN Việt Nam có đủ năng lực để sản xuất ra những sản phẩm tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu liên tục nâng chất lượng về thiết kế, sản phẩm hướng đến những nguyên liệu truyền thống (tre, gỗ, đất nung, gốm, vải…) được xử lý tốt, yếu tố độc đáo và duy nhất của địa phương (gốm Bàu Trúc, Bát Tràng, dừa Bến Tre, gỗ cao su Bình Dương, lụa Tân Châu…). Được như vậy, thì không lo gì không có thị trường và đầu ra cho sản phẩm.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều