Hàng Việt bị bủa vây tứ phía

08:50 | 24/07/2017

Hàng hoá nước ngoài đủ chủng loại đang tràn vào Việt Nam theo chân các nhà đầu tư.

Hàng Việt chất lượng cao “tái xuất”
Hàng Việt thêm đối thủ Campuchia

Thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ năm 2015, và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020. Tuy nhiên, sau ba năm, đến thời điểm hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam đang tràn ngập hàng hóa ngoại nhập đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc…

hang viet bi bua vay tu phia
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tràn ngập hàng hóa ngoại nhập

Hàng hóa ngoại tiến vào Việt Nam theo chân các tập đoàn bán lẻ, nhà đầu tư hay DNNVV của họ. Trong khi hàng Việt xuất khẩu thông qua siêu thị ngoại chỉ là vài con số nhỏ, với một hai lần trong năm.

Mục tiêu cụ thể mà Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020 là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam, và tiếp đến là hệ thống phân phối khác;

Tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm, của những nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh (dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ…); Phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 từ các nước đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 26,84 tỷ USD, tăng 15,6%. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu 22,56 tỷ USD, tăng 51,3%. Và các nước khối ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ ba vào Việt Nam, tăng 17,7%...

Nếu hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng ở phân khúc phổ thông, đến từ những tỉnh thành được xem là phân xưởng sản xuất khổng lồ của thế giới như Quảng Châu. Hàng hóa Hàn Quốc, Nhật Bản thì tăng hiện diện tại Việt Nam theo làn sóng nhà đầu tư từ quy mô tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Lotte, Aeon, Daiso...) đến DN lớn, DNNVV…

Nhà đầu tư Hàn Quốc không chỉ dùng chính tiền đầu tư quay lại nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Hàn Quốc, để phục vụ sản xuất tại Việt Nam (ở nhóm hàng nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh), mà còn đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam. Từ đây, hàng hóa Hàn Quốc, Nhật Bản có mặt ngày càng nhiều và thu hút một lượng lớn người tiêu dùng Việt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Giao dịch Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, trước đây, hàng Việt Nam chỉ bị cạnh tranh ở phân khúc hàng hóa bình dân, cấp thấp, bởi hàng Trung Quốc giá rẻ. Giờ đây, hàng Việt còn khó hơn bởi hàng hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản cao cấp hơn, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại Việt Nam. Đặc biệt, hàng hóa của Hàn Quốc hay Nhật Bản được ưa chuộng còn có sự hỗ trợ từ làn sóng phim ảnh đang tràn ngập Việt Nam.

Ghi nhận thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy, số lượng thương hiệu DN bán lẻ, thương hiệu hàng hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng nhiều và đa dạng hình thức kinh doanh từ trung tâm mua sắm cao cấp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá...

Hàng hóa phục vụ cho nhiều đối tượng người tiêu dùng từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ đến doanh nhân. Nếu hai năm trước người tiêu dùng biết đến Aeon, Lotte, Daiso, thì hiện tại, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như K - Market kinh doanh sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng đã xuất hiện. E Mart cũng là nơi chuyên bán sản phẩm Hàn Quốc từ nước uống, thức ăn, đồ gia dụng...

Với hàng tiêu dùng thông dụng thì có thương hiệu Ilahui Shop, với 90% sản phẩm kinh doanh tại shop đáp ứng tiêu chí đẹp, độc, rẻ của giới trẻ Việt. Còn hàng Nhật Bản thì có Tokyo Mart hay chuỗi siêu thị Miniso chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng cho giới trẻ từ phụ kiện công nghệ, thời trang, mỹ phẩm đến hàng gia dụng. Đó là chưa kể đến hàng loạt cửa hàng tiện lợi của nhiều hộ kinh doanh cá nhân người Hàn Quốc, Nhật Bản đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, mặc dù các ban ngành chức năng Việt Nam cũng liên tục tổ chức nhiều triển lãm, giới thiệu hàng Việt đến các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là những con số rất nhỏ, thưa thớt, hoàn toàn không thể so sánh với việc hàng hóa từ các nước đang vào Việt Nam theo các hệ thống phân phối bán lẻ.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều