Hàng Việt vượt sóng dữ

08:00 | 04/02/2019

Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP và EVFTA, xuất khẩu sẽ duy trì được đà tăng trưởng

Cơ hội mới của DN thủy sản
Hiệp định CPTPP: Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng tham gia?
CPTPP có hiệu lực: Việt Nam có thể hưởng lợi ngay lập tức

“Được mùa mất giá” là tình trạng phổ biến đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của DN Việt Nam trong năm 2018. Mặc dù vậy, xuất khẩu vẫn đi qua một năm thành công với tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu, đạt 13,8%. Đặc biệt hơn cả là khu vực kinh tế trong nước đã đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

hang viet vuot song du
Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP và EVFTA, xuất khẩu sẽ duy trì được đà tăng trưởng

Vượt khó lập kỳ tích

Với mức tăng trưởng 16,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36,1 tỷ USD, ngành dệt may đã khép lại một năm thành công rực rỡ. Bởi theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, so với các nước mạnh về dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… không nước nào có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số như Việt Nam, chủ yếu dưới 5%.

Trong khi đó, ngay từ đầu năm bối cảnh đối với ngành dệt may đã không thuận lợi, tuy đơn hàng nhiều và dồi dào cho tới tận năm 2019, nhưng trong quá trình đàm phán phía đối tác luôn “cò kè” hạ giá, buộc DN phải tìm giải pháp siết chặt các quy trình, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và tiết kiệm tối đa chi phí để có mức chào giá cạnh tranh. Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành có tăng trưởng song lợi nhuận của nhiều DN chưa chắc đã song hành.

Tình cảnh này được ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cảm nhận ngày một rõ hơn. Ông cho biết, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... đang ngày càng gia tăng khả năng cạnh tranh thông qua các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... để giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, làn sóng dịch chuyển của DN dệt may từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam ngày một mạnh hơn.

Không chỉ riêng ngành dệt may, tất cả các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã vượt qua những khó khăn của năm 2018 để lập nên nhiều kỳ tích. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đà tăng trưởng duy trì tốt trong nửa đầu năm 2018, sau đó có xu hướng chững lại; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng phức tạp và khó lường… Tuy nhiên kết quả chung cuộc là tăng trưởng kim ngạch của khối DN trong nước tiếp tục bứt phá mạnh, đạt 15,9%, cao hơn so với tốc độ của khối DN FDI là 12,9%. Tỷ trọng của hàng hoá trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng đang dần tăng lên.

hang viet vuot song du

Đón gió hội nhập để vươn ra biển lớn

Cho đến thời điểm hiện tại, các dự báo về triển vọng xuất khẩu năm 2019 vẫn còn khá đa chiều, với 2 gam màu sáng - tối đan xen. Nhiều ý kiến cho rằng thương mại thế giới nói chung giảm do tác động của chiến tranh thương mại. Nhưng với riêng Việt Nam, nếu tổng kết thương mại và đầu tư từ năm 2016 trở lại đây, lại đang đi theo ngách được hưởng lợi chứ không thiệt hại quá nhiều. Vì vậy dự báo trong năm 2019 - 2020 nếu kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn tình trạng như 2 năm vừa qua thì kinh tế Việt Nam nói chung và xuất khẩu nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Kéo theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Lâu dài hơn, sự dịch chuyển của luồng vốn đầu tư sẽ bắt đầu tác động vào chuỗi sản xuất, khiến nguồn cung nguyên vật liệu biến động.

Tất cả các kịch bản xấu nhất đều đã được ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex dự đoán trước.

Dù vậy, ông Trường cũng chia sẻ lợi thế dành cho Việt Nam sẽ đến từ việc thực thi CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng gồm 20 tỷ USD của Canada và 40 tỷ USD của Úc. Hiện Việt Nam mới chỉ có 4-5% lượng xuất khẩu từ các thị trường này. Đồng thời, nếu kịch bản tốt, 6 tháng cuối năm 2019 Việt Nam sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Chính vì thế đứng trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành dệt may trong nước đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.

Thay vì chỉ nhìn ra “sóng cả”, các DN xuất khẩu trong nước phải chớp lấy thời cơ, đón gió từ việc thực thi các hiệp định quan trọng như CPTPP, EVFTA để vươn ra biển lớn.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lấy ví dụ về một thị trường tiềm năng mà DN Việt Nam chưa khai thác tốt. Đó là khu vực Mỹ La tinh, với dân số tương đương khu vực ASEAN, song GDP lớn gấp đôi; có tầng lớp trung lưu mạnh hơn, nhưng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối này chưa được 15 tỷ USD. Nếu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 450 tỷ USD của Việt Nam thì con số chưa đến 15 tỷ USD là rất nhỏ bé.

“Chúng ta mới chỉ dám đặt mục tiêu tới năm 2021 phấn đấu nâng kim ngạch tại thị trường này lên 20 tỷ USD. Như vậy sắp tới khi có CPTPP sẽ là cơ hội để chúng ta mở rộng sang các thị trường Chile, Peru, Colombia… Và khi đã đặt chân vào thị trường này thì sẽ tạo bàn đạp để DN tiến sâu hơn vào khu vực”, ông Thành khuyến nghị.

Cùng với đó, ông Thành cũng lưu ý một điểm yếu muôn thuở mà DN Việt Nam cần khắc phục nhanh hơn nữa, đó là xây dựng thương hiệu để tạo giá trị gia tăng cao hơn. “Bộ Nông nghiệp trày vảy, bà con nông dân chật vật, mà năm vừa qua xuất khẩu mới đạt kỷ lục 40 tỷ USD, trong khi giá trị thực phẩm thế giới tiêu thụ trong 1 năm khoảng 15.000 tỷ USD. Tức là dư địa để tạo ra giá trị gia tăng cực cao, không chỉ là đầu tư vào chất lượng, con người, mà cả thương hiệu… Phải đảm bảo những tiêu chuẩn rất khác để chính chúng ta tự quyết định giá trị sản phẩm của mình trên thị trường”, ông chỉ rõ.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều