Hậu thâu tóm Sabeco

10:00 | 25/12/2017

Thương vụ chi ra gần 4,8 tỷ USD để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco của NĐT ngoại Thai Berverage vẫn còn mang đến nhiều câu hỏi cho thị trường, nhất là ở khía cạnh giá chào bán và viễn cảnh hậu thâu tóm.

Thương vụ Sabeco và niềm tin vào Chính phủ
Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng từ đấu giá cổ phần Sabeco

Thương vụ chi ra gần 4,8 tỷ USD để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco của NĐT ngoại Thai Berverage chắc chắn là một trong những thương vụ M&A ấn tượng nhất năm nay trên thị trường tài chính Việt. Đồng thời, trở thành động lực để việc cổ phần hóa của nhiều DNNN trong thời gian tới có thêm cơ hội thành công hơn, cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

hau thau tom sabeco

Dù vậy, thương vụ M&A này vẫn còn mang đến nhiều câu hỏi cho thị trường, nhất là ở khía cạnh giá chào bán và viễn cảnh hậu thâu tóm. Với mức giá mua 320.000 đồng/CP và chỉ số giá trên thu nhập P/E tại Sabeco lên tới 45x, liệu việc đầu tư lần này của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi có phải là khôn ngoan?

Tất nhiên, cũng có những ý kiến đánh giá cao thương vụ này bởi sau khi sở hữu cổ phần chi phối tại Sabeco, Thai Beverage hiển nhiên đã kiểm soát được tới 41% thị phần bia Việt Nam để từ đó dễ dàng thực thi các chiến lược tấn công.

Bên cạnh đó, không gian kinh doanh của tỷ phú Charoen tại Việt Nam sẽ được mở rộng hơn, từ lĩnh vực F&B (Vinamilk, Sabeco), hệ thống bán lẻ (Big C, Metro, B’S mart), đến bất động sản (tòa nhà văn phòng Melinh Point Tower, căn hộ Q2 Thao Dien, khách sạn Melia Hà Nội). Không gian có quy mô lớn cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang, được kỳ vọng sẽ giúp cho kết quả kinh doanh của Sabeco khởi sắc hơn khi nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các đơn vị thành viên khác.

Dư địa cải thiện lợi nhuận tại Sabeco khá lạc quan. Doanh thu bán hàng của Sabeco năm 2016 là 30.602 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4.654 tỷ đồng, thấp hơn 34,8% về doanh thu nhưng lại thấp hơn 50% về lợi nhuận so với điểm chuẩn “benchmark” của Vinamilk. Chỉ cần cải thiện hiệu quả quản lý, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết thì lợi nhuận ròng của Sabeco có thể cải thiện đáng kể, dựa vào chỉ số P/E về mức hấp dẫn hơn so với mức rất cao hiện nay.

Dù vậy, cũng có những ý kiến khá bi quan. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPTS, tăng trưởng ngành bia Việt Nam dự đoán sẽ đạt mức 6%/năm trong giai đoạn 2016- 2020, cao hơn mức trung bình của châu Á là 3,09% nhưng có dấu hiệu giảm nhiệt so với giai đoạn tăng hai con số (2000 - 2014).

Hiện các sản phẩm của Sabeco tập trung chủ yếu vào phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc cao cấp đang được thống trị bởi hãng bia Heineken. Với mức thu nhập được cải thiện hơn, thị hiếu tiêu thụ của người dân thường có xu thế hướng lên các phân khúc cấp cao. Để duy trì được thị phần và vị thế cạnh tranh, có thể Thai Beverage sẽ cần tái định vị lại các dòng sản phẩm của mình và tất nhiên, khó tránh khỏi cuộc chiến khốc liệt với đối thủ Heineken giàu tiềm lực tài chính.

Trước mắt, hệ quả của thương vụ thâu tóm Sabeco chính là áp lực gia tăng chi phí cho Thai Beverage. Theo đánh giá của chuyên gia tài chính tại ngân hàng CIMB (Thái Lan), Sabeco có thể đóng góp thêm 82 triệu USD lợi nhuận cho Thai Beverage, tuy nhiên, các khoản nợ sẽ gia tăng thêm từ 147,98 - 164,42 triệu USD. Điều này sẽ khiến chỉ số P/E của bản thân cổ phiếu Thai Beverage gia tăng lên gấp đôi trong hai năm 2017, 2018 (lần lượt là 86x và 79x). Giá cổ phiếu Thai Beverage đã sụt giảm sau khi ước tính này được công bố!

Đi cùng với đó là tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu (net gearing) sẽ tăng mạnh từ 0.2x lên 1.5x vào năm 2018 sau khi Thai Beverage hợp nhất kết quả kinh doanh từ Sabeco, FKC Thái Lan và hãng rượu Myanmar Distillery. Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu chỉ số net gearing vượt qua 0.5x, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản.

“Chúng tôi tin rằng Thai Beverage có thể sẽ có những động thái để tối ưu hóa lại bảng cân đối kế toán sau khi đã chi ra rất nhiền tiền cho M&A năm nay (tổng cộng lên đến 191 tỷ Baht Thái). Các lựa chọn có thể là: thoái vốn khỏi Fraser Centrepoint nơi mà Thai Beverage đang sở hữu 28,4% cổ phần, kêu gọi góp vốn từ đối tác trong liên doanh Vietnam F&B Alliance Investment hay buộc phải phát hành thêm cổ phiếu của chính bản thân”, Cezzane See - nhà phân tích tại CIMM nhận định.

Nam Minh

Tin đọc nhiều