Hộ kinh doanh chuyển thành DN: Được và mất

10:00 | 06/09/2017

Chi phí tuân thủ pháp luật khi trở thành một DN “thực thụ” sẽ ngay lập tức tăng lên đáng kể và điều này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh cá thể phải rất cân nhắc trước quyết định có chuyển đổi lên DN hay không.

Hộ kinh doanh trước ứng xử chính sách
Để hộ kinh doanh vươn mình lớn dậy
Để khuyến khích hộ kinh doanh lên DN

Chi phí tăng thêm là đếm được

Việc các hộ kinh doanh (HKD) chuyển thành DN không chỉ tích cực trên bình diện vĩ mô khi giúp nền kinh tế có được đội ngũ DN hùng hậu hơn mà còn góp phần cải thiện tính minh bạch, khả năng quản trị… của khu vực kinh tế này. Và chỉ cần 10% trong 4,9 triệu HKD cá thể hiện nay trở thành DN thì mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, lực cản và thách thức phía trước phải vượt qua là không nhỏ. Chi phí tuân thủ pháp luật khi trở thành một DN “thực thụ” sẽ ngay lập tức tăng lên đáng kể và điều này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều HKD cá thể phải rất cân nhắc trước quyết định có chuyển đổi lên DN hay không.

Theo phân tích trên nguyên tắc thận trọng của các chuyên gia tại Công ty Tư vấn về Quản lý Kinh tế (Economica Vietnam), đối với một HKD quy mô trung bình với 10 lao động, việc chuyển đổi thành DN sẽ khiến chi phí tuân thủ pháp luật của họ ngay lập tức tăng khoảng 181,2 triệu đồng mỗi năm, liên quan đến các chi phí về sổ sách kế toán, chi phí thuế và thực hiện nộp thuế, các khoản bảo hiểm bắt buộc, chi phí không chính thức và thời gian ngày công cho các hoạt động thanh tra, giám sát…

ho kinh doanh chuyen thanh dn duoc va mat
Cần tiếp tục tháo gỡ các lực cản để hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014 quy định các HKD cũng thuộc đối tượng phải tham gia đóng BHXH cho người lao động nhưng trên thực tế, hiện hầu như các HKD chưa đóng BHXH. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi hoàn toàn khi HKD đăng ký kinh doanh, chuyển đổi thành DN. Khi đó, họ sẽ phải thực hiện đóng góp các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định như BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn. Các loại chi phí này, theo quy định hiện tại được ước tính ở mức 24,81% chi phí nhân công của DN.

Theo tính toán của các chuyên gia tại Economica Vietnam, để thực hiện các quy định về BHXH, y tế, thất nghiệp và phí công đoàn trên, chi phí nhân công tăng khoảng 87 triệu đồng/năm đối với một HKD cá thể quy mô như trên khi chuyển đổi thành DN. Hơn nữa, để giữ chân người lao động qua việc tối thiểu phải duy trì được mức thu nhập thực tế của người lao động bằng mức họ vẫn được hưởng trước khi chuyển đổi thành DN thì các HKD sẽ có thể phải tăng lương cho người lao động để họ tham gia đóng cho phần người lao động phải thực hiện, tương đương với 11,5% tiền lương.

Trong trường hợp đó, chi phí nhân công của HKD khi chuyển đổi DN sẽ tăng thêm 132,7 triệu đồng/năm chỉ để thực hiện quy định này. Đây hẳn là một con số khiến nhiều HKD “chùn chân” trước quyết định chuyển đổi, “nâng đời” lên DN.

Đáng chú ý, chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế là một trong những chi phí mà các HKD cân nhắc nhiều nhất khi quyết định chuyển đổi thành DN. Bởi nếu duy trì như hiện tại, HKD cá thể có thể lựa chọn hình thức thuế khoán nhưng khi đã là DN, việc nộp thuế thay đổi hoàn toàn, lúc đó sẽ phải thuê thêm một nhân viên kế toán để đảm bảo yêu cầu về sổ sách kế toán và tính toán, nộp thuế… khiến chi phí tăng lên đáng kể.

Lợi ích nhận được rất mơ hồ

Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua mới đây đã áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ HKD. DNNVV chuyển đổi từ HKD sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN. Họ được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu, miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trong 3 năm đầu còn được miễn lệ phí môn bài, miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán, lại được miễn giảm thuế thu nhập DN và tiền sử dụng đất có thời hạn…

“Theo tính toán của chúng tôi, một HKD quy mô trung bình với 10 lao động khi chuyển đổi thành DN thì những hỗ trợ như Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra sẽ giúp họ nhận được khoản hỗ trợ khoảng 23 triệu đồng/năm”, ông Lê Duy Bình, Công ty Economica Vietnam cho biết. Dù đây là khoản hỗ trợ vô cùng tốt và rất có ý nghĩa, thể hiện một nỗ lực hết sức đáng trân trọng của các cơ quan nhà nước nhưng theo chuyên gia này thì “vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí tuân thủ ngay lập tức tăng lên như đưa ra ở trên” và dường như chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức và hành động của các HKD.

Các lợi ích từ các biện pháp khuyến khích ưu đãi từ Luật Hỗ trợ DNNVV là cụ thể, nhưng để được hưởng những ưu đãi này, ngoại trừ các ưu đãi như miễn lệ phí đăng ký DN, miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu là rõ ràng và có thể được hưởng ngay, các ưu đãi khác còn phải chờ các quy định hướng dẫn cụ thể hoặc còn phụ thuộc vào quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan để được hưởng. Điều này cũng có nghĩa là nhiều lợi ích mà các HKD có thể nhận được khi chuyển đổi lên DN còn mơ hồ, chưa chắc chắn mà chi phí tuân thủ các quy định pháp luật thì ngay lập tức hiển hiện trước mặt và khiến các HKD cá thể chưa mặn mà chuyển đổi thành DN chính thức.

Có lẽ vì những nguyên nhân trên mà tại TP. Hồ Chí Minh, trong số 15.500 DN được cấp phép thành lập 5 tháng đầu năm 2017 thì chỉ có vỏn vẹn 413 DN là từ HKD chuyển đổi lên. Trên phạm vi toàn quốc, HKD tiếp tục được coi là sự lựa chọn ưa thích của nhiều người khởi nghiệp, thể hiện qua số lượng HKD tăng đều đặn trong các năm vừa qua, từ 4,67 triệu vào 2014 lên 4,75 triệu vào 2015 và đạt 4,9 triệu vào 2016.

Do đó, đây chỉ mới là những khuyến khích và điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để khuyến khích các HKD đăng ký thành lập DN, rõ ràng là cần có thêm các giải pháp chính sách khác phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với các nguyên tắc thị trường, và trên cơ sở tôn trọng quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của các HKD và DN mà cần có thêm các giải pháp chính sách khác phù hợp với nguyên tắc thị trường, điều kiện thực tế.

Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nêu quan điểm, để khuyến khích các hoạt động kinh doanh từ phi chính thức lên chính thức, trước hết cần có nghiên cứu để có chính sách cho phù hợp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Và bên cạnh đó cần quyết liệt thực hiện các giải pháp của Chính phủ để cắt giảm chi phí cho DN và sự vào cuộc, chung tay của các hiệp hội, tổ chức xã hội để hỗ trợ cho các HKD, nhất là về quản trị DN và nguồn nhân lực, khảo sát thị trường... sẽ là các giải pháp đồng bộ để các HKD cá thể vững tin hơn trong chuyển đổi lên DN.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều