Hộ kinh doanh có vị trí quan trọng

09:51 | 12/09/2019

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã thay đổi 53 điều, bãi bỏ 2 điều và bổ sung 7 điều cơ bản, với nội dung hướng đến việc giảm thiểu tối đa phiền hà cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (năm 2013) đã xóa bỏ các rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.

ho kinh doanh co vi tri quan trong
Ảnh minh họa

Qua gần 6 năm thực thi các Luật này, kết quả các đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện khá nhiều (nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc…). Tuy nhiên, qua thời gian, Luật Doanh nghiệp dù đã có nhiều cải cách, nhưng vẫn còn một số nội dung cần thay đổi để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy một số quy định đã lỗi thời, như quy định về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp (như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán…), dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh còn thiếu rõ ràng, do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Điều này đã làm hạn chế đáng kể khả năng huy động nguồn lực đầu tư của mô hình kinh doanh này… Và Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã thay đổi 53 điều, bãi bỏ 2 điều và bổ sung 7 điều cơ bản, với nội dung hướng đến việc giảm thiểu tối đa phiền hà cho doanh nghiệp.

Cụ thể như, sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết trong đăng ký doanh nghiệp như, thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng (khoản 2 và khoản 5 Điều 44). Bãi bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12)...

Đặc biệt, trong Dự thảo có hẳn một chương quy định về hộ kinh doanh (Bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh (bao gồm Điều 187 b, 187 c), với quan điểm, hộ kinh doanh cũng quan trọng không kém các loại hình pháp lý khác (như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần). Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy. Dự thảo đã quy định rõ, tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống, xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo còn quy định cụ thể, hộ kinh doanh là cơ sở kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh và thành viên đại diện cho hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, theo quy định pháp luật dân sự.

Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Và cả việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh, chuyển đổi hộ kinh doanh. Luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự, hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Những hạn chế của quy định hiện hành như đã kể trên sẽ được bãi bỏ.

Những qua định mới này trong Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ bù đắp những khiếm khuyết của quy định hiện hành về hộ kinh doanh (ví dụ, không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện. Hay, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...). Bởi hạn chế pháp lý này đang cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều