Hoạt động XHTD hỗ trợ DN phát triển

14:10 | 15/01/2016

Bắt đầu được triển khai vào năm 2002, trải qua 14 năm xây dựng và hoàn thiện, mô hình xếp hạng tín dụng (XHTD) tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã được các TCTD, các DN đánh giá là một trong những công cụ quan trọng góp phần đưa CIC trở thành một kênh thông tin tin cậy, khách quan, chính xác, phản ánh đúng và đủ thông tin về các DN được xếp hạng. 

Phát triển nghiệp vụ XHTD tại CIC

CIC là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thực hiện chức năng đăng ký tín dụng quốc gia phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của NHNN, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hoạt động XHTD DN tại CIC được triển khai thực hiện từ năm 2002 theo quy định tại Quyết định số 57/2002/QĐ-NHNN ngày 24/01/2002 của Thống đốc NHNN về việc triển khai thí điểm đề án “Phân tích và xếp loại tín dụng DN”.

Dựa trên những kết quả đạt được, vai trò và tầm quan trọng của XHTD trong việc phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1253/2006/QĐ-NHNN ngày 21/06/2006 chính thức cho phép CIC thực hiện nghiệp vụ phân tích, XHTD DN.

hoat dong xhtd ho tro dn phat trien
XHTD giúp các DN quảng bá hình ảnh của mình, đặc biệt đối với những DN kinh doanh hiệu quả

Hiện nay, nghiệp vụ XHTD được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng trong việc cảnh báo, đánh giá mức độ rủi ro sớm không chỉ với từng DN, mà còn mở rộng đến đánh giá nợ công của từng quốc gia, với ba công ty xếp hạng uy tín nhất, dẫn đầu thị trường là Moody’s, Fitch, Standard & Poor’s (S&P).

Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có 2 đơn vị tham gia vào việc đánh giá XHTD, trong đó có CIC. Giai đoạn mới bắt đầu thực hiện nghiệp vụ phân tích, XHTD, CIC đã gặp rất nhiều khó khăn với đội ngũ nhân lực mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm; cơ sở dữ liệu về DN chưa đủ lớn.

Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lúc đó đòi hỏi phải nghiên cứu phát triển một phương pháp XHTD căn cứ vào những chuẩn mực đánh giá cơ bản được áp dụng trên thế giới nhưng vẫn phải phù hợp với tình hình kinh tế thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời phản ánh đúng, đầy đủ, kịp thời thứ hạng của DN được đánh giá căn cứ vào báo cáo kết quả kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, nhờ sự mở rộng về kho dữ liệu thông tin tín dụng của CIC theo từng giai đoạn phát triển và sự nỗ lực phát triển nghiệp vụ XHTD, không ngừng nghiên cứu tham khảo các mô hình XHTD DN theo thông lệ quốc tế, CIC đã xây dựng phương pháp XHTD DN khoa học, chuyên nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam và tiệm cận gần với tiêu chuẩn quốc tế.

Với tư cách là Cơ quan XHTD công, hoạt động XHTD tại CIC được thực hiện hoàn toàn độc lập - minh bạch - khách quan, là kênh thông tin trung gian, cung cấp thông tin xếp hạng độc lập cho các TCTD và DN.

Cụ thể, năm 2006, CIC chỉ xếp hạng được gần 2.000 DN. Tuy nhiên, số lượng DN được xếp hạng không ngừng tăng theo các năm. Tính đến năm 2010, CIC đã xếp hạng được 13.791 DN, đến hết tháng 12/2015, số lượng XHTD DN tại CIC đạt khoảng 40.000 DN, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010 và hơn 20 lần so với năm 2006.

Việc xếp hạng các DN đã chuyển đổi từ phương thức xếp hạng thụ động sang xếp hạng chủ động. Thông tin xếp hạng DN luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời, luôn sẵn sàng được truy xuất.

Hiện nay, các sản phẩm XHTD tại CIC gồm có 6 sản phẩm chính, bao gồm: Báo cáo XHTD 1,2,3 năm tài chính dành cho các TCTD (tiếng Việt và tiếng Anh) (S50)... báo cáo XHTD 1,2,3 năm tài chính dành cho các tổ chức khác (tiếng Việt, tiếng Anh) (S55); báo cáo XHTD Tập đoàn, tổng công ty (S51); Chấm điểm tín dụng lãnh đạo (S62); báo cáo XHTD dành cho DN tự xếp hạng (S56); báo cáo tổng hợp (S51., S57);

Và 2 ấn phẩm tổng hợp thường niên, bao gồm: ấn phẩm XHTD các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán; ấn phẩm XHTD Top 1000 DN… Những sản phẩm XHTD của CIC đã không chỉ trở thành kênh thông tin quan trọng cho các TCTD khai thác, tham chiếu; mà đồng thời giúp các DN sử dụng các kết quả đánh giá của CIC để tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, tìm hiểu đối tác, mở rộng hợp tác kinh doanh, nâng cao uy tín thương hiệu.

Những lợi ích mà báo cáo XHTD mang lại

Đối với nền kinh tế, thông qua chính lợi ích của việc phân tích, việc XHTD DN làm cho hoạt động của NHTM hiệu quả hơn, đầu tư tín dụng tập trung, đúng hướng hơn.

Qua đó, sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển, tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; làm tăng tính minh bạch, công khai của hệ thống thông tin kinh tế, qua đó thông qua quy luật cạnh tranh, thị trường sẽ chọn lọc, thúc đẩy phát triển những DN hoạt động có hiệu quả và loại trừ những DN kém hiệu quả, không có khả năng cạnh tranh.

Đây là sự can thiệp vô hình của thị trường để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội. Báo cáo XHTD được sử dụng như một công cụ để giám sát thị trường tài chính, nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống, đồng thời làm tăng tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

XHTD DN của CIC (đơn vị duy nhất trực thuộc NHNN có nghiệp vụ XHTD) sẽ là cơ sở giúp các DN nước ngoài đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, có thêm cơ sở, tiêu chí để lựa chọn đối tác phù hợp.

Đối với NHNN và các cơ quan quản lý Nhà nước, báo cáo thông tin tổng hợp về XHTD DN theo địa bàn, ngành nghề, quy mô… góp phần tăng cường thông tin thanh tra, giám sát cho NHNN và các cơ quan quản lý; dự báo các rủi ro và hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ; ngăn ngừa các rủi ro hệ thống, đảm bảo hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng an toàn và hiệu quả.

Đối với TCTD, thông tin phân tích, XHTD DN là cơ sở để lựa chọn và phân loại khách hàng, từ đó đề ra chính sách tín dụng hợp lý, giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm rủi ro trong hoạt động của mình. Từ đó, làm tăng tỷ suất sinh lời, tạo điều kiện để mở rộng hoạt độngkinh doanh, làm tăng uy tín với khách hàng, tạo ra lợi thế so sánh trong kinh doanh; giúp cho các ngân hàng có thông tin cần thiết để phân loại khách hàng, trên cơ sở đó định hướng đầu tư tín dụng, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong kinh doanh.

Đối với DN, XHTD giúp bản thân DN nhận biết được các yếu tố nội tại, cũng như các yếu tố tác động bên ngoài có ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng, để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp, tạo sự ổn định, bền vững trong hoạt động của DN; tạo thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; giúp các DN quảng bá hình ảnh của mình, đặc biệt đối với những DN kinh doanh hiệu quả, được đánh giá, xếp hạng cao bởi những cơ quan xếp hạng có uy tín.

Qua đây, nâng cao ý thức, nhận thức của DN thông qua việc đăng ký tự xếp hạng, từ đó tạo nên tính chủ động trong hoạt động kinh doanh, góp phần giúp các DN xây dựng các chiến lược phát triển, xây dựng cơ cấu tài chính, chính sách đầu tư thích hợp để đạt đến các mục tiêu của mình.

Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá trong Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB) hướng tới; kết quả XHTD tốt cũng là một trong những tiêu chí quan trọng, cốt lõi để cơ quan quản lý Nhà nước xem xét trao các thương hiệu như: “Thương hiệu mạnh Việt Nam; Thương hiệu Quốc gia; Rồng Vàng”…

Tiềm năng phát triển nghiệp vụ XHTD tại Việt Nam

Việc xây dựng hệ thống XHTD nội bộ tại mỗi TCTD là hoạt động cần thiết để đánh giá khách hàng trên cơ sở định tính và định lượng về mặt tài chính, tình hình kinh doanh, quản trị, uy tín của khách hàng thông qua các bộ chỉ tiêu tài chính và phi tài chính.

Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống XHTD nội bộ tại mỗi TCTD còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các TCTD có quy mô nhỏ, do đòi hỏi chi phí lớn, nguồn dữ liệu về DN phải đầy đủ và đủ lớn, đồng thời phải bao quát được ít nhất trên 1 năm liền kề trước năm xây dựng hệ thống XHTD nội bộ và phải phù hợp với các chuẩn mực xếp hạng quốc tế.

Sau gần 14 năm xây dựng và phát triển nghiệp vụ XHTD, CIC đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận. Dữ liệu về tài chính DN lớn là cơ sở cho phép CIC xây dựng các thước đo phản ánh tình hình tài chính DN, thống kê đưa ra bộ chỉ số tài chính phản ánh hoạt động của DN trong các ngành với quy mô phù hợp.

Hiện CIC có kho dữ liệu đánh giá lịch sử quan hệ tín dụng của DN đầy đủ và chính xác, thông tin luôn được cập nhập với cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng của 100% các TCTD, cùng các đánh giá về phi tài chính mang tính tổng quát, hệ thống.

Đặc biệt, trong năm 2012, CIC đã tăng cường các chỉ tiêu đánh giá phi tài chính kết hợp với đánh giá chuyên gia đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của hệ thống XHTD và trong giai đoạn 2014 – 2015. CIC đã tích hợp được thông tin tài chính vi mô vào kho dữ liệu quốc gia thông qua các báo cáo định kỳ từ tổ chức tài chính vi mô và các quỹ tín dụng nhân dân; cập nhật kịp thời, đầy đủ khi có bất kỳ biến động nào từ phía DN hoặc các biến động kinh tế liên quan đến DN.

CIC đã tạo ra kho dữ liệu XHTD đối với các DN hoạt động tại thị trường Việt Nam đủ lớn để một số TCTD tại Việt Nam chưa có đủ điều kiện để xây dựng hệ thống XHTD nội bộ riêng, có thể sử dụng kết quả này làm cơ sở đánh giá danh mục khách hàng vay của mình, phù hợp với các quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 21/1/2013.

Trong thời gian tới, CIC có kế hoạch phối hợp với các đối tác XHTD có uy tín trên thế giới, xây dựng mới mô hình XHTD chuẩn của CIC, đảm bảo tính chính xác, phù hợp với tình hình kinh tế, loại hình DN, quy mô DN, đặc biệt tiệm cận với các tiêu chuẩn đánh giá mới nhất của thế giới.

Anh Tuấn - Vũ Thảo

Tin đọc nhiều