Hội nhập cho mình, đừng “dọn cỗ cho người”

08:59 | 03/04/2015

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hoá mới chỉ phù hợp để áp dụng tại các nước phát triển, còn với các nước có chế tài chưa hoàn thiện như Việt Nam thì chắc chắn thực hiện sẽ rất khó khăn. 

Nhận định hiếm hoi và khá “ngược dòng” này được đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trao đổi bên lề Hội thảo “Cơ chế TCNXX hàng hoá trong các hiệp định thương mại tự do (FTA)”, do Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 2/4.

hoi nhap cho minh dung don co cho nguoi
Cần hệ thống quản lý và pháp luật chặt chẽ mới có thể áp dụng cơ chế TCNXX

Cơ chế này, cùng với việc nới lỏng cách thức tính xuất xứ của hàng hóa, nhận được nhiều kỳ vọng của cộng đồng DN rằng sẽ giúp Việt Nam hưởng tối đa ưu đãi thuế quan khi tham gia các FTA. Tuy nhiên dưới góc nhìn của một số chuyên gia, những nỗ lực này có thể sẽ góp phần “dọn cỗ” cho các DN FDI thâm nhập ngày càng sâu vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ ưu đãi xuất xứ.

Bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo công thức tính hiện nay, để được hưởng mức thuế ưu đãi tại một số FTA, hàng hoá phải có hàm lượng giá trị trong khu vực ASEAN (RVC) không dưới 40%.

Chẳng hạn, lốp xe trị giá 1.000 USD nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng bản thân cái lốp chỉ có 40% giá trị là xuất xứ từ Thái Lan, còn lại nhập từ nước khác ngoài ASEAN thì theo cách tính cộng gộp từng phần hiện nay, giá trị được tính sẽ chỉ là 400 USD.

Tuy nhiên, theo cách tính cộng gộp toàn phần không có ngưỡng mà các quốc gia đang hướng tới đàm phán thì toàn bộ giá trị của chiếc lốp là 1.000 USD sẽ được tính là có xuất xứ từ ASEAN.

“Các quốc gia ASEAN đang mong mỏi thông qua cơ chế cộng gộp toàn phần này. Như vậy, các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia chỉ cần gia công 5-10% là có thể xuất khẩu và hưởng mức thuế ưu đãi rồi”, bà Thùy bình luận.

Một chuyên gia về hội nhập phân tích, các quốc gia tương đối chậm phát triển trong khu vực ASEAN kỳ vọng vào việc thông qua cơ chế cộng gộp toàn phần không có ngưỡng này sẽ có thể kích thích sản xuất cho toàn bộ khu vực. Tuy nhiên cần nhìn nhận sòng phẳng rằng, cơ chế này cũng rất có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Hyundai…

Theo đó, họ chỉ cần đặt nhà máy tại quốc gia như Việt Nam, nội địa hóa với tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu là thực hiện gia công và xuất khẩu rồi hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi FTA mang lại. Vì vậy, cơ chế này tuy có mặt tích cực là càng khuyến khích các tập đoàn lớn mở rộng sản xuất, nhưng lại không khuyến khích họ tạo ra giá trị gia tăng tại chính đất nước mà họ đặt chân đến.

“Như Samsung gần như chưa đáp ứng được bất kỳ C/O ưu đãi nào. Hàm lượng giá trị trong khu vực ASEAN của họ chỉ đạt tỷ lệ 16-21%, do đó mức thuế mà họ hưởng khi xuất khẩu sang các quốc gia có FTA với Việt Nam chưa hoàn toàn ưu đãi như mong muốn”, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu tiết lộ.

Do đó, có thể hiểu những DN FDI, hay các tập đoàn đa quốc gia mong chờ Việt Nam thông qua thỏa thuận nới lỏng quy tắc xuất xứ để hưởng lợi lớn như thế nào. “Chặt quá thì DN kêu không đáp ứng được, nhưng họ không hiểu rằng nếu nới lỏng quá thì sẽ có nguy cơ biến Việt Nam thành nước gia công”, vị chuyên gia nọ lo ngại.

Trong khi các DN FDI là đối tượng đầu tiên hưởng lợi từ việc nới lỏng cơ chế TCNXX thì DN trong nước lại rất khó đáp ứng, thậm chí chưa chắc đã mặn mà với cơ chế này. Bà Bùi Kim Thùy cho biết, tại một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia hay Thái Lan, nhiều DN đủ điều kiện được TCNXX nhưng vẫn không tự cấp.

Tại các quốc gia này, số lượng DN đủ điều kiện được TCNXX cao nhất là khoảng 100 DN, nước ít hơn chỉ khoảng 50-60 DN, chưa kể trong số đó phần nhiều cũng là DN FDI. Có nhiều DN bản địa dù đủ điều kiện song vẫn quay lại mang hồ sơ, chứng từ qua cơ quan quản lý để chờ cấp C/O do việc nghiên cứu các tiêu chí quá khó với họ, đồng thời họ phải tự chịu trách nhiệm, dễ hứng chịu rủi ro. Chủ yếu tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, EU thì DN tự làm toàn bộ nhờ vào đội ngũ luật sư tư vấn riêng, làm việc bài bản.

Mặc dù các tiêu chí để được hưởng cơ chế TCNXX hiện vẫn đang hoàn thiện, song về cơ bản, theo bà Thùy, nếu áp dụng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 500 triệu USD trở lên thì trước mắt chủ yếu là các DN dệt may trong nước là đủ điều kiện.

Ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng bổ sung những rủi ro phát sinh khi nới lỏng cơ chế TCNXX như khả năng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi, cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam cũng có thể xảy ra.

Còn theo bình luận của một luật sư về thương mại quốc tế, nguyên tắc là khi luật pháp của quốc gia đủ mạnh thì mới có thể áp dụng được cơ chế TCNXX, để siết các trường hợp làm sai, thậm chí “đè bẹp” cả ngành sản xuất của nước xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam trong trường hợp một DN cố tình chứng nhận sai. Song, Việt Nam thì chưa thể làm được điều này.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều