Hội nhập nhìn từ trái vải

08:43 | 16/07/2015

Sự “đơn thương độc mã” của nông dân và DN khiến họ là người trực tiếp chịu rủi ro. 

Đầu tuần này, một số tờ báo dẫn lời Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trái vải Việt có biểu hiện “đuối sức” trong cạnh tranh với các đối thủ. Giá bán cao hơn so với vải của Thái Lan, Trung Quốc và Úc, trong khi chất lượng còn hạn chế. Một số lô hàng có sâu to, dính quả non, cuống chưa được cắt sát và sót lại lá cây…

hoi nhap nhin tu trai vai
Ảnh minh họa

Như vậy là, sau khi được người tiêu dùng tại Úc hồ hởi đón nhận, bán ra trên thị trường với giá 21-22 đô la Úc/kg trong những tuần đầu tiên, thì sau đó giá vải Việt Nam giảm xuống chỉ còn 15-16 đô la Úc/kg. Thậm chí một số lô hàng được cho là bán dưới giá thành vì chất lượng sụt giảm sau thông quan.

Không chỉ có trái vải, rất nhiều nông sản của Việt Nam gặp vấn đề về chất lượng khi xuất khẩu ra thế giới. Nổi lên là câu chuyện dư lượng thuốc trừ sâu, chỉ tiêu với một số hóa chất vượt quy định cho phép của nước nhập khẩu; chất lượng sản phẩm không đồng đều…

Bất chấp nông nghiệp là ngành có đóng góp kim ngạch lớn cho Việt Nam và nhiều mặt hàng thậm chí đứng ở thứ hạng cao về sản lượng xuất khẩu trên thế giới, nông sản Việt không ghi được nhiều dấu ấn về chất lượng. Điều này là một rủi ro lớn khi Việt Nam đã và đang đàm phán để mở cửa hơn nữa thị trường với các đối tác quan trọng.

Chẳng hạn như với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuối năm 2013, một vị đại sứ nước tham gia đàm phán đánh giá, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khối này có thể tăng khoảng 37%. Tuy nhiên, cho đến gần đây, nhận định về đóng góp đối với xuất khẩu lại không được khả quan như vậy.

Vẽ ra 3 kịch bản, một viện nghiên cứu tính toán rằng, xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm từ 2,2-3,1 tỷ USD, bất chấp có sự dịch chuyển về xuất khẩu từ các nước ngoài TPP sang các nước TPP. Trong đó, nông sản được xác định là chịu tác động lớn từ việc hình thành khối này.

Nhìn lại suốt quá trình vừa qua, có thể thấy trong dòng chảy của các dịch chuyển về thị trường, chính sách… thì thách thức ngày càng đặt ra với hàng xuất khẩu Việt Nam, với áp lực liên tục tăng lên. Bất chấp cơ hội luôn được mở ra, cho thấy nỗ lực cải cách được thực thi gấp gáp, nhưng triển khai trên thực tế để hỗ trợ người nông dân và DN lại không có sự đầu tư thích ứng.

Ngay trong câu chuyện trái vải Việt sang Úc, người nông dân và các DN vẫn phải “tự bơi”. Họ tự thực hiện các quy trình trồng trọt, chịu trách nhiệm vận chuyển và chiếu xạ ở rất xa nơi canh tác… Toàn bộ chi phí khiến giá trái vải xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh với đối thủ.

Sự “đơn thương độc mã” của nông dân và DN khiến họ là người trực tiếp chịu rủi ro. Khả năng tài chính hạn chế, nên chỉ một sai lầm là tan gia bại sản. Chuyện làm ăn gian dối rất dễ xảy ra khi mà nông dân và DN hiểu rằng họ khó có cơ hội làm ăn lâu dài. Ở đây, vai trò của các cơ quan hữu quan, hiệp hội, cũng như mối liên kết với Nhà nước là đơn vị xúc tác và thiết lập rất cần được triển khai. Đó có lẽ là lời giải để cho mỗi sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới, trong bối cảnh đang thay đổi hiện nay.

Để hiệu ứng từ chính sách mở cửa thị trường, theo các hiệp định thương mại tự do, không còn đo đếm bằng con số tăng trưởng võ đoán mà bằng những hành động và hiệu quả trên thực tế.

Anh Quân

Tin đọc nhiều