Hổng pháp lý tranh chấp trực tuyến

15:00 | 01/01/2018

Trong khi thương mại điện tử sôi động và ngày càng tăng trưởng mạnh thì ở góc độ pháp lý, việc giải quyết các tranh chấp diễn ra trong quá trình giao dịch điện tử lại còn quá nhiều bất cập và chưa được các ngành, chức năng điều chỉnh.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý: Nền tảng phát triển ngân hàng số
Giải pháp đồng bộ, thúc đẩy xử lý nợ xấu hiệu quả
Tiền ảo và địa vị pháp lý

Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua, chứng kiến sự “đổ bộ” của rất nhiều tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài. Theo đó, giữa năm 2016, Tập đoàn Alibaba đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm 83% cổ phần tại Lazada. Chủ sở hữu của Zalora Việt Nam là Tập đoàn Rocket Internet cũng đã bán lại sàn thương mại điện tử Carmudi (chuyên về ô tô, xe máy) cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan).

Ba nhà đầu tư khác của Nhật Bản là SBI Holdings, Econtext Asia và Beenos cũng đã chi đậm để nắm giữ 33% cổ phần tại CTCP Sen Đỏ (Sendo.vn). Trong khi đó, quỹ đầu tư CyberAgent và Tập đoàn Sumitomo cũng đã mua đứt 52% vốn của trang thương mại điện tử thuộc hàng lớn nhất Việt Nam là tiki.vn…

hong phap ly tranh chap truc tuyen
Ảnh minh họa

Việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào thị trường thương mại điện tử khiến quy mô vốn của thị trường này tăng mạnh từ mức 5 tỷ USD (năm 2016) lên mức gần 7 tỷ đồng vào năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Thương mại điện tử cũng nhanh chóng thu hút khoảng 30% dân số tham gia mua sắm với giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến trung bình khoảng 7,8 triệu đồng/người/năm. Thống kê của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), hầu hết các DN trong nước cũng đã tổ chức triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Trong đó đa số các DN làm dịch vụ và xuất nhập khẩu đã sử dụng các hình thức thương mại điện tử để đặt hợp đồng kinh tế xuyên quốc gia (80% DN sử dụng email để giao dịch với khách hàng và 48% DN sử dụng email để giao kết hợp đồng).

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi thương mại điện tử sôi động và ngày càng tăng trưởng mạnh thì ở góc độ pháp lý, việc giải quyết các tranh chấp diễn ra trong quá trình giao dịch điện tử lại còn quá nhiều bất cập và chưa được các ngành, chức năng điều chỉnh.

LS. Châu Việt Bắc, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC cho rằng, hiện nay Nghị định 22/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại là một trong những văn bản pháp lý mới nhất có quy định nội dung về hòa giải thương mại trực tuyến.

Tuy nhiên, các nội dung như: phạm vi tranh chấp được sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến; các phương thức giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định giải quyết tranh chấp… chưa được cụ thể hóa và chưa có hướng dẫn nên các trường hợp xảy ra tranh chấp đều chưa thể xử lý được.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với thương mại điện tử và các tranh chấp dạng này thường liên quan đến nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, sở hữu tên miền… vì vậy những năm gần đây VIAC liên tục nhận được các đơn khiếu nại, tố cáo của DN trong nước nhưng việc hòa giải hoặc khởi kiện hết sức khó khăn và tốn thời gian.

Để “trám” ngay những lỗ hổng pháp lý liên quan đến tranh chấp thương mại điện tử, LS. Lê Văn Sua (Văn phòng LS. Lê Sua) cho rằng, Chính phủ các bộ, ngành trước mắt cần bổ sung ngay các quy định cụ thể đối với danh sách các website thương mại điện tử, hướng dẫn chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến (đã được quy định tại Nghị định 52/2013) để các bên tham gia tuân thủ.

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã có quy định công nhận các chứng cứ điện tử để xử lý tranh chấp. Tuy nhiên, cách thức thu thập chứng cứ điện tử này như thế nào? Quy trình ra sao? Quyền của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập như thế nào… cần phải được các nghị định và thông tư hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Ngoài ra, liên quan đến rủi ro thanh toán, LS. Sua cho rằng, các văn bản luật cần bổ sung quy định bắt buộc các DN, các NHTM phải áp dụng phương pháp bảo mật bằng cách mua những tên miền gần gũi với thương hiệu của mình. Bởi thời gian qua các vụ việc “rút ruột” tài khoản cho thấy đội ngũ hacker dễ dàng tạo lập website giả mạo, dẫn dụ thành công người dùng vào việc đăng nhập tài khoản và mật khẩu, chìa khoá để vượt qua các hệ thống bảo mật.

Trên thế giới, để hạn chế hành vi này, đa số các DN đã mua những domain vệ tinh, gần liên quan đến domain chính để tránh việc người dùng có thể gõ nhầm, hoặc nhìn nhầm domain của họ. Chẳng hạn, Google.com, nếu gõ Google.com thì trang đích vẫn dẫn đến trang chủ của Google.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các NHTM và DN hiện nay chưa quan tâm đến rủi ro này lắm. Các tên miền gần gũi với trang chủ của các NHTM lớn như vietin-bank.vn, vietcom-bank.com.vn… hiện vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng để đăng ký. Điều này tạo kẽ hở các hacker lợi dụng để lập các giao diện website giả dẫn dụ người dùng để chiếm đoạt tài khoản.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều