Hướng đến sự phát triển bền vững

16:00 | 12/03/2018

Đà Nẵng luôn xác định, thành công của cộng đồng DN, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố.

Việt Nam - điểm sáng trong thúc đẩy tài chính bền vững
Minh bạch để hướng tới bền vững

TP. Đà Nẵng vừa tổ chức thành công “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”. Tọa đàm quy tụ hơn 500 đại biểu đại diện cho các hiệp hội, DN, doanh nhân trên địa bàn. Sự kiện này được xem như “Hội nghị Diên Hồng”, nhằm lắng nghe, mổ xẻ các vấn đề tồn tại của địa phương. Từ đó, tìm hướng phát triển một cách bền vững, để Đà Nẵng thực sự là “thành phố đáng sống”.

huong den su phat trien ben vung
Nguồn nhân lực cần được quan tâm, cải thiện

Lắng nghe DN

Với một tinh thần cởi mở, chân tình, các lãnh đạo thành phố, cùng các sở, ban ngành... đã có mặt, lắng nghe những tiếng nói tâm huyết từ đại diện các hiệp hội, DN.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy cho biết, Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Với mục tiêu rà soát, xây dựng chiến lược phát triển KT - XH đến năm 2035, tầm nhìn 2050, chuẩn bị cơ chế, chính sách và hạ tầng cần thiết làm tiền đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo các bước đột phá để tiếp tục phát triển.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố mong nhận được những đóng góp, hiến kế, đề xuất, sáng kiến từ cộng đồng DN. Từ đó, giúp chính quyền cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng cũng như chính bản thân DN trên địa bàn.

Trước những kỳ vọng của lãnh đạo thành phố, đại diện các hiệp hội, DN đã có nhiều ý kiến tâm huyết, cùng chung tay xây dựng Đà Nẵng phát triển. Trong số đó, tập trung chủ yếu vẫn là vào những lĩnh vực mà Đà Nẵng đang có thế mạnh để phát triển, đó là du lịch dịch vụ hay công nghệ thông tin.

Thực tế, những năm gần đây ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc. 10 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng gấp 6 lần. Doanh thu du lịch tăng từ 2 nghìn tỷ đồng lên gần 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện ngành du lịch Đà Nẵng đang bị “bê tông hóa” với quá nhiều resort, khách sạn cao tầng.

Điều này, dẫn đến các tài nguyên du lịch của Đà Nẵng đang bị “nghẹt thở”. Bởi vậy, ông Peter Ryder - Tổng giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng đã mong lãnh đạo thành phố vẫn tích cực kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch phải thân thiện với môi trường.

Tất cả các dự án du lịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung về bảo vệ môi trường. Hạn chế những dự án, công trình có tác động gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển. Cơ quan chức năng cũng cần hạn chế việc cho phép xây dựng nhiều nhà cao tầng sát bờ biển. Đặc biệt, đại diện các DN còn chỉ ra những bất cập trong các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trên lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Cảnh Sơn, đại diện cho chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Ariyana chia sẻ, nếu năm 2016 giá thuê đất là 21 nghìn đồng/m2, thì năm 2017 lại tăng đột biến lên đến hơn 150 nghìn đồng m/2. Trong khi, tại khu vực giáp ranh với Đà Nẵng hay tại Hội An của Quảng Nam giá lại “mềm” hơn rất nhiều. Ông Sơn đặt câu hỏi, như vậy liệu DN du lịch Đà Nẵng có thể cạnh tranh được hay không?

Một lĩnh vực thế mạnh khác của Đà Nẵng là công nghệ thông tin cũng được nhiều DN quan tâm. Theo ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN phần mềm TP. Đà Nẵng, doanh thu của ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng cách đây 10 năm là con số 0. Song, nay đạt đến 15 nghìn tỷ đồng, riêng công nghiệp phần mềm là 3 nghìn tỷ đồng. Lao động trong ngành công nghệ phần mềm năm 2003 là 300 người, nay gần 10 nghìn người.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của ngành này trong 10 năm hầu như không được đầu tư thêm và hiện nay không đủ khả năng để bảo đảm tốc độ phát triển. Bởi vậy, thành phố cần triển khai các giải pháp để phát triển ngành công nghệ thông tin, trong đó có công nghiệp phần mềm.

Trong khi đó, các DN FDI trên địa bàn lại đưa ra những lo ngại về nguồn lực lao động của Đà Nẵng hạn chế, không đủ đáp ứng ổn định của DN. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng Takizawa Toru, hiện nay các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng vọt.

Đặc biệt, trong xu thế các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam hay Quảng Ngãi… cũng đang có nhiều dự án đầu tư, sẽ tạo việc làm cho lao động trên địa bàn của họ. Điều này cũng sẽ gây ra thiếu hụt lao động cho Đà Nẵng.

Liên quan đến nguồn nhân lực, ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Kinderworld, lại đưa ra quan điểm, nguồn nhân lực hạn chế, nhưng cũng là cơ hội để Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng các trường đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận...

Quy hoạch lại phát triển

Năm 2017 khép lại với TP. Đà Nẵng là một năm đầy nỗ lực để đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế thành phố duy trì đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 58 ngàn tỷ đồng, tăng 9%; tổng thu ngân sách đạt gần 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18%; khách tham quan, du lịch đạt 6,6 triệu lượt, tăng 19%. Đặc biệt, thành phố đã tạo được dấu ấn đẳng cấp và tự hào là địa phương tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, hình ảnh, vị thế của Đà Nẵng tiếp tục được khẳng định…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn. Trong đó, nổi lên là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, mặc dù có nhiều tiềm năng song địa phương vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược, những “sếu đầu đàn” có khả năng tạo động lực làm “cú hích” cho sự phát triển bền vững…

Bởi vậy, để tiếp tục phát triển một cách bền vững Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề quan trọng, mang tầm chiến lược. Cụ thể là các vấn đề về quy hoạch; kết nối phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh; môi trường sống, an sinh xã hội và tổ chức bộ máy quản lý của chính quyền. Trong đó, các vấn đề về quy hoạch được ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, cần phải xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Đà Nẵng trong liên kết với các địa phương khác trong cả nước, cũng như hợp tác với các thành phố, trung tâm phát triển trong khu vực.

Quy hoạch mới cũng phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững và bao trùm của Đà Nẵng. Trong đó, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước cũng như trong khu vực.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa ghi nhận và tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của cộng đồng DN. Đánh giá cao những ý kiến tham gia đầy trách nhiệm, chất lượng của các hội, hiệp hội và các DN đối với sự phát triển KT - XH của Đà Nẵng. Đồng thời, khẳng định những ý kiến tâm huyết này sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng, cũng như có sự chỉ đạo, điều hành sát hơn trong thực tiễn.

Ông Nghĩa chia sẻ, dân cường thì nước thịnh. Một thành phố không thể phát triển giàu đẹp nếu cộng đồng DN yếu kém. Bởi vậy, Đà Nẵng luôn xác định, thành công của cộng đồng DN, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố. Mong các nhà đầu tư tiếp tục chọn TP. Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu”, bằng trí tuệ, tài lực của mình cùng chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng tiếp tục vươn ra biển lớn.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều