IPO không thành công vẫn chuyển sang công ty cổ phần

10:01 | 10/06/2015

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) chia sẻ một số giải pháp mới về cổ phần hóa DNNN.

ipo khong thanh cong van chuyen sang cong ty co phan
Ông Đặng Quyết Tiến

Xin ông đánh giá kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thời gian qua?

Tính đến hết quý I/2015, cả nước đã sắp xếp được 6.980 DN, trong đó cổ phần hóa 4.237 DN. Trong năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, tăng 1,65 lần so với năm 2013. Theo kế hoạch giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Quý I/2015, cả nước cổ phần hóa 29 DN (gồm 3 Tổng công ty Nhà nước và 26 DN). Còn lại 260 DN thì có 62 DN đã công bố giá trị DN, 198 DN đang xác định giá trị DN.

Về thoái vốn, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Số vốn đã thoái tính đến quý I/2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Giá trị các khoản đầu tư tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2014 là 4.517 tỷ đồng, do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia theo quy định pháp luật. Số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng.

Như vậy, từ nay tới cuối năm vẫn còn hơn 200 DN phải cổ phần hoá. Vậy chúng ta đã có giải pháp gì để thực hiện lộ trình này?

Việc cổ phần hoá hiện nay có rất nhiều giải pháp. Tại kỳ họp tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó nhấn mạnh cổ phần hoá không được làm ào ào, mà phải theo tiến độ, kế hoạch. Đối với DN chưa thể cổ phần hoá được ngay, thì mạnh dạn chuyển sang công ty cổ phần (CTCP), để chuẩn bị hàng hoá IPO. Đấy là một trong những giải pháp được tháo gỡ trong trường hợp không phải DN nào cũng IPO thành công.

Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành quyết định có thể phân loại những DN nào có thể IPO được, hoặc không IPO được, những DN nào có thể hoàn thành hoặc không thì chúng ta chuyển sang CTCP. Giải pháp đã có, để thực hiện được, đầu tiên là tuyên truyền và quán triệt bằng được mục tiêu, trong đó có việc cổ phần hoá là không thể dừng, để bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nâng cao hiệu quả đồng vốn của Nhà nước.

Vấn đề thứ hai là gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Việc này Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo đổi mới DN Trung ương, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành đôn đốc và làm việc trực tiếp với các DN chuẩn bị cổ phần hoá, nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá. Cổ phần hoá cũng đã gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nếu cố tình làm chậm sẽ xử lý kiên quyết người đó, để đảm bảo đưa những người muốn đổi mới, muốn thực hiện đúng lộ trình cổ phần hoá vào vị trí thay thế, nhằm thực hiện kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.

ipo khong thanh cong van chuyen sang cong ty co phan
Nếu DN chưa thể cổ phần hóa vẫn có thể chuyển sang CTCP

Chúng ta nói IPO các DN có thể tác động lớn đến thị trường và làm thay đổi cục diện thị trường. Song tới lúc này, nhiều DN lớn vẫn chưa có chuyển biến. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì?

Việc IPO thành công hay không là cả một quá trình, phải có sự chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là những DN có danh tiếng như MobileFone, Cienco, các dự án điện… rõ ràng phải có những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực mua. Vì thế, khâu chuẩn bị trước IPO phải tính toán đâu là cổ đông chiến lược, phải đàm phán trước. Bởi các cổ đông chiến lược là những nhà đầu tư dài hạn, nên họ đòi hỏi điều kiện đầu tiên phải minh bạch, định hướng phát triển rõ ràng, có hiệu quả mới bỏ vốn vào. Một vấn đề khác cũng phải cân nhắc khi tính toán cổ đông chiến lược, là tỷ lệ họ tham gia thế nào để được tham gia vào quản trị điều hành.

Do đó, trước một phương án cổ phần hoá đối với DN lớn, chúng ta phải làm thận trọng và đầy đủ, tránh làm theo phong trào dẫn đến IPO không thành công, nhà đầu tư chiến lược không dám đổ tiền vào. Còn các giải pháp hiện nay như tôi nói, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các DN phải chịu trách nhiệm thông báo với Chính phủ. Rõ ràng, trách nhiệm ở đây là của người đứng đầu, còn các cơ quan của Chính phủ tham gia đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, sự giám sát của cộng đồng và báo chí cũng là một trong những động lực thúc đẩy cổ phần hoá.

Ông nói cổ phần hoá thành công thì phải chuẩn bị rất tốt. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều. Vậy việc cổ phần hoá 200 DN này có khả thi trong năm nay hay không?

Vấn đề khả thi hay không, phải gắn liền với hiệu quả và chất lượng cổ phần hoá. Cái đấy chúng ta quan tâm hơn vấn đề số lượng. Hiện nay có 50 DN đã xác định giá trị DN xong và sẽ cổ phần hoá trong quý II và III này. Còn lại hơn 190 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Việc xác định giá trị DN cũng cần tính toán. Nếu DN xác định xong mà có lợi thế mới bán được, còn không thì phải chuyển sang giải pháp khác. Giải pháp Chính phủ đã đưa ra và các DN cũng đã hướng tới trong hai giai đoạn.

Nếu được sẽ IPO và chúng ta đảm bảo bán được, còn không thành công vẫn chuyển sang CTCP, sau đó tiến hành IPO. Việc này vẫn đảm bảo việc chuyển DN sang mô hình CTCP. Nhiều người hỏi tại sao phải chuyển sang CTCP? Chúng tôi cho rằng, chuyển sang CTCP để có động lực trong đổi mới quản trị, cũng như minh bạch thông tin.

Xin cảm ơn ông!

Hiền Thanh thực hiện

Tin đọc nhiều