Kết nối cung - cầu hàng hóa: Cơ hội vàng để vào siêu thị

09:09 | 02/10/2015

Hội nghị "kết nối cung-cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng 1/10 được xem là thể hiện tinh thần trách nhiệm, cố gắng cao của các cơ quan Nhà nước trong tiêu thụ hàng hoá cho DN trong nước.

ket noi cung cau hang hoa co hoi vang de vao sieu thi
Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, có hàng trăm DN sản xuất và phân phối đã gặp nhau trong chương trình kết nối cung - cầu, nhưng vẫn có tình trạng sau ký kết nhiều hợp đồng không thực hiện được.

“Có nhiều hàng hóa sau khi đã ký kết hợp đồng nhưng không đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị, thậm chí không đủ nguồn hàng cho nhà phân phối, do vậy thỏa thuận đã không thực hiện được. Đây là một vấn đề cần khắc phục và các DN phải đảm bảo minh bạch khi cung cấp thông tin nhằm hiện thực hóa các hợp đồng đã ký kết”.

Chia sẻ những khó khăn khi tham gia kết nối cung-cầu giữa các cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Phúc Lâm cũng bày tỏ "Để thực hiện hợp đồng còn là cả một vấn đề, để thành công thì đòi hỏi sự đáp ứng và thỏa mãn của cả hai phía".

Theo ông, ký kết mới chỉ là một bước đệm. Sau ký kết còn phải thực hiện hàng loạt các yêu cầu như hàng hóa có đáp ứng tiêu chuẩn của nhà phân phối hay không, rồi chi phí bán hàng ra sao hay chiết khấu như thế nào…

Chia sẻ những kinh nghiệm khi kết nối với các DN Việt Nam, ông Naohisa Saeki, Giám đốc phụ trách mua hàng của Công ty TNHH AEON Việt Nam cho rằng, khi mới vào Việt Nam, DN này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các đối tác cung cấp hàng hóa.

Bởi lẽ thông tin về các nhà sản xuất có uy tín rất ít, do vậy DN này phải cần một bộ phận chuyên nghiệp để tìm hiểu và kết nối với nhà cung cấp sản phẩm đưa vào siêu thị.

Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, không phân biệt DN lớn nhỏ, chỉ cần hàng hóa của DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và nguồn hàng là có thể tiến hành đàm phán và ký kết.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo ra một sức lan tỏa lớn, giúp kết nối và tạo ra kênh phân phối vững chắc giữa các DN sản xuất và phân phối trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng trong khuôn khổ chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt" diễn ra từ ngày 27/9-2/10 đã có hơn 100 hợp đồng được ký kết.

Thông qua đó, nhiều DN sản xuất đã tìm được đầu ra vững chắc cho sản phẩm của mình trong khi các siêu thị cũng có một nguồn hàng ổn định hơn, phục vụ hoạt động thương mại một cách lâu dài.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, Hội nghị thường niên thể hiện tư duy mới bởi quá trình hội nhập đã cận kề, đưa sản phẩm Việt Nam vào hệ thống thương mại và xuất khẩu là rất quan trọng. “Nếu trước đây chúng tôi phải đi tìm hàng để nhập về thì nay các đơn vị sản xuất đã chủ động hơn trong giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình”, ông Vượng nhìn nhận.

Còn bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình thì cho biết, hiện có 20 sản phẩm chè được sản xuất theo tiêu chuẩn iso. “Chúng tôi mong muốn chè Tân Cương có chỗ đứng trong các siêu thị và cam kết về chất lượng, ổn định về giá cả”, bà Lý cho hay.

Cùng nguyện vọng như vậy, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Lenger Việt Nam tỉnh Nam Định, đơn vị chuyên cung cấp nghêu và hàu sạch tại Hà Nội cho biết, với công nghệ Hà Lan đã mang lại sự thay đổi căn bản về bảo quản, thay vì sản phẩm không rõ nguồn gốc thì nay mang đến sản phẩm sạch, an toàn với đầy đủ các chứng chỉ cần thiết về chất lượng sản phẩm.

Ông cũng đề nghị các siêu thị tiếp nhận nhanh chóng đưa hàng lên kệ, bởi đây là sản phẩm tươi sống được bảo quản lạnh theo quy trình hết sức nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ các DNNVV giới thiệu quảng bá sản phẩm không chỉ trong các siêu thị mà cả trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi kinh phí quảng bá sản phẩm của các DN này còn rất eo hẹp.

Trần Hương

Tin đọc nhiều