Kết nối hàng Việt trong kỷ nguyên số

11:00 | 25/03/2019

Ứng dụng thương mại điện tử trong kỷ nguyên số là con đường hiệu quả để DN tiếp cận thị trường, đẩy mạnh hoạt động

Doanh nghiệp thương mại điện tử được thời
Thương mại điện tử: Cánh cửa mở để vươn xa
Thương mại điện tử hứa hẹn tiếp tục bứt phá

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với thị trường khoảng 100 triệu dân, tiềm năng để phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn. Chưa kể, việc ứng dụng thương mại điện tử trong kỷ nguyên số là con đường hiệu quả để DN tiếp cận thị trường, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, bảo vệ thương hiệu, cũng như tăng doanh thu. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý của người tiêu dùng và sự vào cuộc còn chưa mặn mà của nhiều DN nên việc phát triển thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

ket noi hang viet trong ky nguyen so
Đa số người tiêu dùng vẫn đang lựa chọn mua hàng theo kiểu “mắt thấy, tay sờ”

Trong chương trình Kết nối hàng Việt năm 2019 vừa được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tổ chức hội nghị kết nối hàng Việt và giải pháp cho DN trong kỷ nguyên số. Tại đây, nhiều đại biểu đã cho rằng, việc kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại mang lại nhiều kết quả, góp phần bình ổn thị trường, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu… Đặc biệt, xu hướng thương mại điện tử trong thời kỳ hội nhập như hiện nay là tất yếu, góp phần giảm thiểu chi phí, nhân công và mang lại những hiệu quả tích cực cho cả DN lẫn người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hà Bắc - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho rằng, kết nối thương mại điện tử có chi phí ít, nhưng hiệu quả lại cao hơn nhiều so với cách thức truyền thống. Đặc biệt, xu hướng này phù hợp cho các DNNVV… Với những tiện ích do công nghệ mang lại, thương mại điện tử góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN đến tận tay người tiêu dùng. Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử, với sự kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” trong việc phát triển phương thức bán hàng, thanh toán trực tuyến. Sàn giao dịch danangtrade.com.vn được vận hành theo phương thức O2O (Online to Offline). Đây là mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức trực tuyến dựa trên các công nghệ số, giúp phát huy tối đa lợi ích, lợi thế địa phương và vai trò trong việc điều hành của cơ quan chức năng.

Thấy được lợi ích của thương mại điện tử, nhiều DN trong nước đã tích cực tham gia và bước đầu đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Kết quả một cuộc khảo sát nội bộ cho thấy, có khoảng 36% DN hiện không gia tăng doanh số là các DN chưa hoặc mới bắt đầu áp dụng các kênh thương mại điện tử. 17% DN tụt lùi doanh số là các DN chỉ bán hàng tại cửa hàng. Các DN áp dụng nhiều kênh thương mại điện tử hầu hết đều có gia tăng doanh số. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Hương Quế tại Đà Nẵng cho biết thêm, sản phẩm của công ty đều được bán thông qua các sàn giao dịch điện tử, trong đó, qua sàn Alibaba khoảng 90% lượng giao dịch. Các giao dịch trong nước được thực hiện thông qua trang web của công ty cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, những khách hàng chủ yếu là các siêu thị hiện đại và các nhà bán lẻ.

Thói quen mua hàng trực tiếp

Rõ ràng thương mại điện tử đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho DN cũng như tạo những thuận lợi cho người tiêu dùng. Song, trên thực tế, việc phát triển thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn hiện nay, hoạt động thương mại điện tử mới tập trung ở hai đô thị lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Còn tại các địa phương khác, việc phát triển mô hình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ngay tại TP. Đà Nẵng - “đầu tàu” kinh tế tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc phát triển thương mại điện tử vẫn đang rất hạn chế. Nhiều DN vẫn đang loay hoay để áp dụng các hình thức bán hàng qua mạng, phần lớn hàng hóa vẫn được kết nối ra thị trường thông qua các kênh phân phối truyền thống.

Theo nhiều người, rào cản đầu tiên khiến việc phát triển thương mại điện tử còn gặp khó khăn là do đến nay, nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn giữ thói quen muốn mua hàng trực tiếp, “mắt thấy, tay sờ”. Nhiều người cũng đã vào các trang web bán hàng, song phần lớn mới chỉ xem giá, mẫu mã, cũng như tham khảo các chương trình khuyến mãi. Nhiều người chưa quen với các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán sau khi nhận hàng, các chính sách đổi trả sản phẩm…

Ông Phạm Hồng Chung - Trưởng phòng Thương mại điện tử công ty giày BQ (TP. Đà Nẵng) chia sẻ, hiện doanh thu của công ty thông qua hệ thống bán lẻ và nhà phân phối trung gian vẫn là chủ yếu. Trong khi đó, số lượng giao dịch thông qua thương mại điện tử vẫn chưa như kỳ vọng. Bởi, do tâm lý của người tiêu dùng vẫn thích xem hàng và trả tiền mua hàng trực tiếp. Để chiều lòng các “thượng đế”, giày BQ vẫn đang phải áp dụng việc thanh toán qua trang thương mại điện tử của mình bằng 2 hình thức: thanh toán trực tuyến và thanh toán sau khi nhận hàng để phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh thói quen của người tiêu dùng thì việc vào cuộc chưa quyết liệt của các DN cũng là rào cản cho sự phát triển của thương mại điện tử. Trong đó, nhận thức của các DN, đặc biệt là các DNNVV, DN siêu nhỏ về thương mại điện tử còn hạn chế. Không ít nhà sản xuất còn rụt rè, thụ động trong việc ứng dụng thương mại điện tử, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hiện, có khoảng 60% DN trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, chỉ có 5% các DN này quan tâm, cập nhật thông tin và hoạt động có hiệu quả, bởi nhiều DN còn e ngại khi phải đối mặt với các giải pháp kỹ thuật, phương án duy trì, nhân sự cho vận hành, chi phí thương mại điện tử… mặc dù Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin.

Đại diện một DN ở địa phương đã chia sẻ rất thực tế, do công ty có quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất gia công. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu là tìm cách bán đủ hàng để tồn tại. Còn đến khi nào phát triển mạnh hơn, lúc đó mới quan tâm đến việc bán hàng trực tuyến hay thương mại điện tử… Rõ ràng, việc phát triển thương mại điện tử đang gặp những rào cản. Để có thể dỡ bỏ những rào cản này, trước hết phải kể đến vai trò định hướng của các cơ quan chức năng. Nếu muộn, các DN trong nước lẫn người tiêu dùng sẽ thiệt thòi ngay trên “sân nhà”, khi đặt trong bối cảnh hội nhập thời CMCN 4.0, trong dòng chảy số hóa thương mại đang phát triển ngày càng nhanh như hiện nay.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều