Khai thác thị trường đồ gỗ nội địa

15:44 | 27/05/2019

Quy mô tiêu thụ đồ gỗ trong nước hiện có giá trị khoảng 4 tỷ USD, nhưng nhiều DN chỉ nhập khẩu sản phẩm để kinh doanh mà bỏ qua sản xuất

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, hiện nay tổng giá trị tiêu thụ nội thất của thị trường Việt Nam lên đến 4 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do sự hồi phục tốt của thị trường BĐS, với các dự án khu dân cư, căn hộ từ bình dân đến cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng không chỉ ở những thành phố lớn, mà còn trải rộng khắp các địa phương có thế mạnh du lịch trên cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất của DN Việt gần như không tận dụng được thị trường nội địa. Hiện có chưa quá 30 thương hiệu đồ gỗ Việt được người tiêu dùng Việt lựa chọn, mà thay vào đó là sản phẩm đồ gỗ nội thất của Đức, Pháp ở phân khúc cao cấp; hay sản phẩm của Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… ở những phân khúc còn lại.

khai thac thi truong do go noi dia
Người tiêu dùng trong nước ngày càng ưa chuộng sản phẩm đồ gỗ Việt

Tại TP. Hồ Chí Minh - nơi có thị trường BĐS phát triển sôi động và thị trường xây dựng bùng nổ, với mức tiêu thụ sản phẩm nội ngoại thất cao nhất cả nước, thì các thương hiệu kinh doanh nội thất lớn như Phố Xinh, SB Funiture, Kenli… đều kinh doanh sản phẩm nội ngoại thất nhập khẩu từ Châu Âu, Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là chưa kể, các DN ngoại nổi tiếng về đồ gỗ nội thất của Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp như IKEA, BoConcept, Ligne Roset hay Lago… đã lần lượt xuất hiện nhằm khai thác thị trường Việt Nam.

Theo dự báo của các DN kinh doanh đồ nội thất thì năm 2019, Việt Nam sẽ chi từ 700 đến 900 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất. Và với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của người Việt bình quân 21 USD/người/năm thì xu hướng này còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Và thực tế là hiện DN đồ gỗ Việt đã chậm chân ở thị trường nội.

Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc CTCP Gỗ Đức Thành, hiện nay sức mua ở thị trường nội địa với sản phẩm nội thất Việt đang có những cải thiện tích cực. Bởi hàng Việt Nam ngoài giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng, còn rất phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người Việt. Hơn thế, hiện nay, mức thu nhập của người dân đã khá hơn, các gia đình trẻ sống ở đô thị ngày một tăng, dẫn đến yêu cầu đồ gỗ nội ngoại thất phải hữu dụng, nhiều công năng hơn, nhưng thiết kế phải hiện đại, sang trọng, tạo một không gian sống hài hòa. Thậm chí, nhiều người còn yêu cầu nhà sản xuất cung cấp dịch vụ thiết kế và cung cấp một không gian nội thất hoàn chỉnh cho toàn bộ ngôi nhà. Các dự án xây dựng BĐS (khu du lịch, dân cư, tòa nhà văn phòng) cũng có xu hướng yêu cầu đồng nhất sản phẩm gỗ nội ngoại thất…

Đây chính là dư địa cho DN Việt khai thác trong thời gian tới tại thị trường nội. Và cũng đã có rất nhiều DN Việt thành công trong lĩnh vực này như Đức Thành, Chi Lai, Nhà Xinh, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai…

Còn lại, theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch HAWA, thời gian qua HAWA luôn khuyến khích DN hội viên đầu tư bài bản hơn để sản xuất hàng cho thị trường nội địa. Và việc DN phát triển mạnh mảng bán lẻ trong nước (như gỗ Đức Thành, nội thất Hòa Phát, Nhà Xinh…) là một xu hướng tất yếu. Và nó cũng đã thúc đẩy nhiều DN khác tập trung đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã, dịch vụ hướng tới phục vụ thị trường trong nước.

Về phía HAWA, để khuyến khích DN ngành gỗ, các nhà thiết kế nội thất tập trung cho thị trường trong nước, HAWA đã tổ chức một cuộc triển lãm chủ đề Phong cách nội thất Việt Nam (Vifa GU) trong tháng 5/2019, để các DN giới thiệu sản phẩm đồ nội thất của mình. Tại triển lãm, DN không đơn thuần bán các sản phẩm, mà còn giới thiệu những giá trị nghệ thuật, gu thẩm mỹ trong kiến tạo không gian sống. Qua đó, DN và người tiêu dùng sẽ tiếp cận với nhau tốt hơn.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều