Khẩu vị của các nhà đầu tư Nhật Bản đang thay đổi

08:36 | 06/03/2019

Trong 3 năm trở lại đây, tình hình đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng trưởng khá đều, nhưng cũng đang có dấu hiệu chững lại so với các giai đoạn trước...

70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

Khi khẩu vị NĐT thay đổi

Ngay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ông Shinichiro Shimizu - Giám đốc Japan Airlines đã có dự cảm tốt về triển vọng kinh doanh của hãng hàng không này. Với vị trí NĐT chiến lược và mạng lưới sản xuất “ăn sâu bám rễ” tại thị trường Việt Nam, các DN Nhật Bản đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho các ngành dịch vụ theo sau, trong đó có logistics.

khau vi cua cac nha dau tu nhat ban dang thay doi
Thương mại đang là đích đến của các NĐT Nhật

Cùng với vận chuyển hành khách, các hãng hàng không Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hoá tới Việt Nam. Theo ông Shinichiro Shimizu, doanh thu từ thị trường Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Nếu như miền Bắc là trung tâm chế tạo các sản phẩm đồ điện tử kỹ thuật cao của Canon, Samsung, Brother… thì miền Nam lại là “thủ phủ” của các sản phẩm tiêu dùng như may mặc, giày dép, mang thương hiệu Adidas, Nike, Ashley…

Nếu như trước đây các chuyến bay xuất phát từ Nhật Bản chủ yếu chuyên chở các mặt hàng nguyên liệu vải, phụ kiện may mặc, linh kiện điện tử… mà phía Việt Nam chưa sản xuất được thì gần đây nhu cầu hàng hoá đã có nhiều thay đổi. Các hãng hàng không Nhật Bản nhận định trong tương lai, Việt Nam thị trường tiềm năng cần mở rộng nhu cầu vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không.

“Chúng tôi kỳ vọng cùng với CPTPP, nhu cầu vận chuyển sẽ ngày càng gia tăng nhờ sự phát triển của thị trường nội địa Việt Nam, với sự tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống từ Nhật Bản”, Giám đốc Japan Airlines bày tỏ.

Không riêng lĩnh vực hàng không, ngày càng nhiều DN Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, đồ điện gia dụng, tư vấn… đang đổ bộ mạnh hơn vào Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, người Nhật đã thay đổi cách thức rót vốn, đặc biệt trong 2 năm gần đây vốn đầu tư của Nhật Bản đã có sự đổi dòng ưu tiên đầu tư vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng, hoặc phát triển cơ sở hạ tầng, thay vì sản xuất như trước đây. Điều này có thể lý giải do sức hấp dẫn của thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, các NĐT Nhật Bản đã nhận thấy đó là cơ hội không thể bỏ qua.

Xu hướng này đang hiện lên rõ nét hơn qua các kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro). Ông Kitagawa Hironobu - Trưởng Đại diện Jetro tại Hà Nội lưu ý một xu hướng mới là số lượng DN Nhật Bản sau khi sản xuất tại Việt Nam có sản phẩm tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa đang ngày càng tăng lên.

Tính đến hết năm 2018, có tới 27,6% DN Nhật Bản có sản phẩm tiêu thụ 100% tại thị trường nội địa. Cùng với đó, hình thức xuất khẩu 100% đang thu hẹp và tiến gần hơn sang hình thức cung ứng nội địa. Chỉ có 25,3% DN Nhật Bản có doanh thu hoàn toàn từ hoạt động xuất khẩu, giảm so với con số của năm 2017 là 27,2%.

Cùng với tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng lên, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ EPA/FTA lại giảm xuống. Nếu như năm 2017, có 48,9% DN Nhật Bản có hoạt động xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi này, thì năm 2018 con số đã giảm xuống còn 47,5%.

“Có rất nhiều DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cho biết họ không nắm rõ các lợi ích từ FTA mang lại, vì vậy không biết tận dụng như thế nào”, ông Kitagawa chia sẻ. Thực tế này cho thấy dường như hội nhập đang mang lại cơ hội cho DN Nhật Bản tận dụng thị trường nội địa Việt Nam nhiều hơn là vươn ra thị trường thế giới.

Còn cơ hội cho dòng vốn chất lượng cao

Trong 3 năm trở lại đây, tình hình đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng trưởng khá đều, nhưng cũng đang có dấu hiệu chững lại so với các giai đoạn trước. Đặc biệt nếu nhìn vào quy mô dự án dưới 5 triệu USD chiếm tới khoảng 90%; và trong 3 năm trở lại đây không có dự án tỷ USD của Nhật vào lĩnh vực chế biến chế tạo, mà chỉ rót vào năng lượng, bất động sản, cơ sở hạ tầng… Các dấu hiệu này cho thấy “khẩu vị” của NĐT Nhật Bản đang thay đổi khá rõ rệt.

Thống kê của Jetro cho thấy, trong 2 năm 2017-2018, số dự án mới cấp phép trong lĩnh vực chế tạo chỉ chiếm 24-25% tổng số dự án, còn lại là các lĩnh vực lưu thông bán lẻ, dịch vụ tư vấn, IT, xây dựng, vận tải kho bãi… Con số này sụt giảm khá nhanh so với giai đoạn trước đây, khi số dự án trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn chiếm tỷ lệ hơn 50%. Đặc biệt, nếu xét theo số vốn cấp phép, vốn Nhật rót vào lĩnh vực hạ tầng đời sống chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư mới trong năm 2017; và lĩnh vực bất động sản chiếm tới 66% trong năm 2018.

Theo các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, việc NĐT Nhật Bản mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại sẽ là xu hướng chung trong trong vài năm tới, do nhiều công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã rót vốn vào Việt Nam ở giai đoạn trước. Trong khi thị trường tiêu dùng trực tiếp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn với các công ty dịch vụ và thương mại nước ngoài.

Chia sẻ về vấn đề này với Thời báo Ngân hàng, ông Kitagawa Hironobu cho rằng, đúng là số lượng dự án đầu tư vào ngành dịch vụ đang tăng lên, nhưng số tiền đầu tư vào ngành chế tạo vẫn rất lớn, và chưa có dấu hiệu giảm đi. “Các DN Nhật vẫn muốn đầu tư vào các ngành sản xuất quy mô lớn, chỉ là Việt Nam thu hút họ như thế nào thôi”, ông nhấn mạnh.

Theo vị này, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Nhật Bản đang rỗng dần và mất dần đi theo xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia khác. Tuy nhiên đây vẫn là những ngành thế mạnh và tạo ra giá trị gia tăng cao. Vấn đề là Việt Nam cần lựa chọn ngành công nghiệp nào của Nhật Bản đối với Việt Nam là ưu việt, nổi bật, và có ích để thu hút ngành đó vào.

“Việt Nam cần thu hút vốn Nhật theo cách có trọng điểm, có chiến lược. Như vậy tôi nghĩ là hoàn toàn có cơ hội để hút vốn mạnh hơn, chứ không phải Nhật không muốn đầu tư vào ngành chế tạo của Việt Nam nữa”, ông khẳng định.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều