Khi động cơ chính cho nền kinh tế đang bị ngó lơ?

12:00 | 28/11/2018

Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.

Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và DN siêu nhỏ”, PGS-TS. Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tại Việt Nam ngoại trừ những DN siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động.

khi dong co chinh cho nen kinh te dang bi ngo lo

Cũng đánh giá cao vai trò của khu vực này trong nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, năm 2017, xét về tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực KTTN đã đóng góp khoảng 43% GDP, nhưng DN tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình.

Cho rằng, trong nhiều năm tới khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, các chuyên gia cũng phải thừa nhận một thực tế, là khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô. Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.

TS. Võ Trí Thành thì cho rằng, bên cạnh thực tế cho thấy quy mô của DN tư nhân còn nhỏ (98,6% số DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%). Các DN tư nhân Việt Nam còn thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn, thậm chí “không muốn lớn”. Chỉ có 11% DN tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ có 14% DN tư nhân bán hàng cho các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Cho dù sản phẩm của các DN này có chất lượng tương đương các DN phụ trợ từ nước ngoài của những tập đoàn lớn, như Samsung, họ thiếu vốn và mối quan hệ để có khả năng chen chân vào chuỗi DN vệ tinh của những tập đoàn lớn.

Vì vậy, sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài và xuất hiện của các tập đoàn trong và ngoài nước lớn không tạo ra một hiệu ứng lan tỏa đáng kể về tăng trưởng đến các công ty nhỏ và siêu nhỏ nội địa. Những lợi ích từ hội nhập và ưu đãi của Chính phủ vì vậy nhiều khả năng sẽ tập trung vào trong tay một số dưới 1% DN lớn nội địa và tập đoàn nước ngoài.

Trong khi DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ đứng trước rủi ro rất lớn khi phòng tuyến bảo hộ hàng Việt Nam đang ngày càng bị xuyên thủng bởi các hiệp định thương mại tự do. Với việc gia nhập các hiệp định thương mại khiến các DN nhỏ và siêu nhỏ này đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguy cơ hàng nội bị đánh bật khỏi thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn, đang lớn dần lên.

Lẽ ra với tỷ lệ cao trong tổng số DN của Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải quan tâm tới các hộ kinh doanh cá thể, DN siêu nhỏ nhiều hơn, về cả chủ trương và sự thực thi. Nhưng chính vì quy mô siêu nhỏ của mình, những DN này đang bị “ngó lơ”. Tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan Chính phủ.

Nói về chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và DN siêu nhỏ, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng khác đã và đang nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho DN Việt Nam nói chung, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng mà trong đó nổi lên vướng mắc chính sách hỗ trợ về thuế và tiếp cận nguồn vốn.

Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, bà Trần Kiều - Vụ Xây dựng kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, đến tháng 11/2018, đã có hơn 30 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc. Đây là lực lượng mới trong phát triển kinh tế - xã hội chiếm hơn 50% doanh thu thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm lao động đô thị và hơn 90% số DN, đang có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng ổn định, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tạo việc làm và cải thiện sinh kế của người dân của nước này.

Nguyên nhân là do Trung Quốc đã ban hành Luật khuyến khích DN nhỏ và siêu nhỏ, theo đó, nhà nước đã thành lập quỹ phát triển DNNVV, theo nguyên tắc định hướng chính sách và hoạt động theo thị trường, hướng dẫn và khuyến khích quỹ xã hội hỗ trợ DNNVV và thúc đẩy đổi mới kinh doanh. Các quỹ này gồm rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, họ tham gia giải quyết vướng mắc về vốn, công nghệ, chính sách của DN trong suốt quá trình phát triển, từ giai đoạn mầm đến giai đoạn đầu, đến giai đoạn phát triển mở rộng, giai đoạn trưởng thành và giai đoạn lột xác.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều