Khi nhà bán lẻ “ra tay” với vải thiều

14:55 | 12/06/2015

Hầu hết các nhà bán lẻ đều cam kết sẽ tạo thuận lợi để đưa trái vải vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Tuy nhiên, các DN sản xuất kinh doanh loại trái cây này cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá thương hiệu.

khi nha ban le ra tay voi vai thieu
Ảnh minh họa

Cần ổn định giá bán

Trực tiếp xuống tận vườn để lựa chọn, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết đã ký kết tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải thiều của tỉnh Hải Dương trong vụ vải sắp tới. Tuy nhiên, để việc tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất, DN này mong muốn chính quyền địa phương cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh trái vải cần đảm bảo ổn định nguồn hàng, chất lượng, sản lượng và đặc biệt là giá cả.

Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành của Hapro cho biết, mới vào đầu vụ song giá vải thiều rất phập phù, biến động thường xuyên ở từng nhà vườn, từng thời điểm, nên gây khó khăn cho các nhà phân phối trong việc đưa ra mức giá cố định cho khách hàng.

Hapro có hệ thống chợ đầu mối phát luồng bán buôn và có hệ thống điểm bán lẻ là kênh phân phối hiện đại rộng khắp. Ưu tiên của DN là phân phối sản phẩm vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap, nên họ đã cho cán bộ nhân viên của mình phục ở các vườn, khi có vải sẽ thu mua tận vườn, đóng thùng xốp, với quy cách đóng gói như xuất khẩu để bảo quản được 2 ngày.

“Song giá bán ở các chủ vườn cần đồng nhất, vì hiện có rất nhiều giá, nên chúng tôi không thể báo giá cho các đơn vị. Ngoài ra, cần đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản của địa phương, đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, bà Khuê Anh nói.

Đại diện của hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho biết, sẽ vào tận vườn thu mua để cắt giảm chi phí trung gian, với tiêu chí có giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam (quản lý chuỗi siêu thị Fivimart), cùng với việc đảm bảo chất lượng thì các DN sản xuất, kinh doanh vải thiều cần đảm bảo các giấy tờ chứng chỉ liên quan để hàng hoá vào được kệ siêu thị đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Song việc này các nhà vườn, hộ nông dân thực hiện vẫn rất chậm chạp. Bên cạnh đó, bà Hậu cũng dự báo khi vào chính vụ việc tiêu thụ vải thiều trong siêu thị sẽ khó khăn hơn, do cạnh tranh từ thị trường bên ngoài nên cần có các chương trình quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng lựa chọn.

Tăng cường quảng bá thương hiệu

Với ưu thế hơn 30 siêu thị trên toàn quốc, cùng kênh phân phối xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị BigC Thăng Long, cũng cho rằng cần có chính sách đầu tư cho quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại vải với nguồn gốc xuất xứ khác nhau, người tiêu dùng không nhận biết được đâu là vải Thanh Hà (Hải Dương), hay vải Lục Ngạn (Bắc Giang).

Do đó, ông Dũng cho rằng cần đầu tư quảng bá thương hiệu sản phẩm, từ khâu bao bì đóng gói có chỉ dẫn, xuất xứ địa lý rõ ràng, đến việc giới thiệu người tiêu dùng cách nhận biết quả vải, thì sẽ nâng cao hơn giá trị sản phẩm.

“Với sản lượng không lớn, tôi khẳng định không đủ để tiêu thụ trong nước, mà nguồn cung hiện còn đang thiếu. Vấn đề là khai thác kênh phân phối như thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm, không thể để giá bán cứ phập phù mãi mà phải có giá cao hơn.

Do đó, bên cạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, cần có đầu tư trong khâu vận chuyển bằng xe mát, thùng mát, áp dụng công nghệ bảo quản thì mới đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng và bán được sản phẩm với giá cao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đầu mùa vải thường có giá cao song khi vào chính vụ, do thời gian chín rộ nhanh nên nếu không có chính sách phân phối, tiêu thụ tốt, giá quả vải có thể “rớt” rất nhanh. Tỉnh này có khoảng 11.000 ha vải thiều, với sản lượng năm 2015 khoảng 50.000 tấn, phần lớn việc tiêu thụ do thương lái thực hiện nên người trồng thường bị ép giá, chịu nhiều thiệt thòi.

Do đó, việc có sự tham gia của các DN lớn, nhà phân phối cùng chung tay tiêu thụ quả vải có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao giá trị cho quả vải trên thị trường. Ông Cương cũng cho biết địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp DN và thương nhân phân phối vải thiều khi về địa phương thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu thụ bền vững, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng đã tới lúc nhà sản xuất, DN cần nhìn nhận, không thể để người tiêu dùng Việt Nam ăn những trái vải, hay sản phẩm rau quả trái cây với hàm lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản cao hơn sản phẩm xuất khẩu.

Do đó, cần có chính sách sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng theo các quy trình Viet Gap, phát triển thương hiệu sản phẩm. Bộ Công Thương cũng sẽ có chính sách thúc đẩy tiêu thụ qua liên kết, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo cán bộ.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều