Khi pháp luật cạnh tranh bị “thất sủng”

12:00 | 11/05/2017

Tại sao người dân, DN và cả cơ quan quản lý không thích dùng pháp luật cạnh tranh để điều chỉnh các hành vi trên thị trường? Câu hỏi được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tổ chức ngày 10/5, trước bối cảnh luật đã có hiệu lực từ lâu song hiệu quả tác động đối với nền kinh tế lại rất thấp.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh, doanh nghiệp gặp khó
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Cạnh tranh là “đức hạnh” của thị trường

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên của Ban Pháp chế VCCI cho biết, thực tế đã xảy ra rất nhiều câu chuyện mà trong đó có tồn tại hành vi phản cạnh tranh, song người trong cuộc đã không sử dụng luật để giải quyết vấn đề. Bà dẫn chứng, từ tháng 7/2014 đến tháng 1/2015 giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và giá trong nước cũng được điều chỉnh giảm tương ứng 14 lần, với tổng mức giảm khoảng 39%.

khi phap luat canh tranh bi that sung
Cần hạn chế các hành vi phản cạnh tranh để thị trường phát triển lành mạnh

Tuy nhiên khi đó giá cước vận tải lại không giảm, mặc dù theo tính toán giá xăng dầu chiếm khoảng 30-40% chi phí vận tải. Tại thời điểm đó, trước sức ép của dư luận, Hiệp hội vận tải có ý kiến các DN ngành này kiên quyết giữ nguyên giá cước vận tải. “Chúng tôi cho rằng có hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh ở đây”, bà Hồng nêu quan điểm.

Mặc dù thấy rõ sự bất thường trong tuyên bố của các DN vận tải, song không có một DN, cơ quan nào đứng ra sử dụng pháp luật cạnh tranh để điều tra, làm rõ có hành vi phản cạnh tranh ở động thái này hay không. Thay vào đó, một số địa phương lại dùng mệnh lệnh hành chính buộc các DN vận tải phải giữ nguyên hoặc giảm giá cước vận tải. “Tại sao pháp luật cạnh tranh lại không được áp dụng trong trường hợp này?”, bà Hồng đặt vấn đề.

Tương tự như vậy, các nghiên cứu rà soát hệ thống pháp luật kinh doanh do VCCI tiến hành thời gian qua cho thấy có nhiều quy định pháp luật tạo ra ưu thế riêng cho một nhóm các DN lớn trong một số ngành nhất định. Kết quả là khi quy định được ban hành thì các DN nhỏ tự triệt tiêu và DN lớn mặc nhiên hưởng lợi.

Những quy định như vậy tiêu diệt cạnh tranh và khiến môi trường kinh doanh trở nên méo mó. Tuy nhiên, cũng tương tự như trường hợp trên, không có một cơ quan nào đứng ra sử dụng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh lại hành vi phản cạnh tranh và để cho thị trường tự do vận hành.

Đồng tình rằng trong nền kinh tế có rất nhiều hành vi phản cạnh tranh, song luật lại không xử lý được những vụ việc lớn mang tính “cốt tử” để thị trường vận hành lành mạnh, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị, cần hiểu rằng pháp luật cạnh tranh là công cụ duy trì sự hiệu quả của nền kinh tế thị trường.

Ông Thành nhấn mạnh, cạnh tranh cần được xem là một trong số ít trụ cột của kinh tế thị trường. Không chính quyền nào tiêu diệt được DN ngoài chính đối thủ cạnh tranh của họ vì chỉ đối tượng đó mới ngang cơ với DN. Vì vậy DN sợ nhất là đối thủ cạnh tranh.

“Họ sợ đứa bé sau này thành gã khổng lồ sẽ “ăn tươi nuốt sống” họ, vì vậy mới có chuyện DN nghìn tỷ USD phải sợ DN 1 tỷ USD, vì vậy hoạt động M&A mới diễn ra liên tục, tấp nập như vậy”, TS. Nguyễn Đức Thành ví von.

Để luật không “tụt hậu”

Đối chiếu với kỳ vọng pháp luật cạnh tranh sẽ tạo ra thị trường minh bạch, bình đẳng, các chuyên gia cho rằng Luật Cạnh tranh không những chưa phát huy hiệu quả như mong đợi mà còn đang dần tụt hậu. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương thừa nhận, các quy định của Luật Cạnh tranh thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ông nhấn mạnh, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn do các quy định của luật còn cứng nhắc dẫn tới bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Ông Phùng Văn Thành, Cục Quản lý cạnh tranh phân tích, cơ quan soạn thảo luật nhận thấy Luật Cạnh tranh hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu trong Luật Cạnh tranh hiện hành. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh đóng vai trò là luật bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó Luật Cạnh tranh phải là “luật gốc” về cạnh tranh để các luật chuyên ngành điều chỉnh theo thể thống nhất.

Tuy nhiên kể từ thời điểm Luật Cạnh tranh 2004 có hiệu lực đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Giá 2012, đặc biệt là các luật chuyên ngành như Luật Viễn thông 2009, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Điện lực 2012, Luật Bảo hiểm 2014... mà chưa có sự kết hợp thống nhất với Luật Cạnh tranh.

Ông Thành cũng chỉ ra thực tế là nhiều DNNN có những hành vi chưa phù hợp với pháp luật cạnh tranh và còn tình trạng nhiều cơ quan bộ, ngành ở cả Trung ương và địa phương ban hành các chính sách và văn bản hành chính tạo sự phân biệt đối xử, gây cạnh tranh không công bằng giữa DNNN và các DN khác.

Trong khi đó Luật Cạnh tranh hiện hành còn thiếu các quy định đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của DNNN.

Cuối cùng, theo Cục Quản lý cạnh tranh, địa vị và mô hình cơ quan cạnh tranh chưa hợp lý, chưa củng cố được vị thế để phát huy vai trò đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho mọi loại hình DN, chưa bảo đảm thực thi công bằng, khách quan Luật Cạnh tranh. Cơ quan này khuyến nghị cần xây dựng mô hình tổ chức mới và nâng cấp cơ quan cạnh tranh lên để có đủ sức mạnh can thiệp vào các hành vi phản cạnh tranh.

Trước các vấn đề bất cập này, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế của quy định hiện hành. Luật sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện để sớm trình lên Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều