Khi siêu thị bán thuốc

09:00 | 16/01/2017

Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhắc lại, Luật Dược mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 vừa qua có điều khoản cho phép siêu thị được kinh doanh thuốc, dược phẩm. Đây là một nét mới, phù hợp xu thế phát triển hiện đại, bởi nhu cầu của người dân hiện nay là tiện lợi, nhanh chóng và đa dạng dịch vụ hàng hóa trong cùng một điểm mua sắm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giảm giá thuốc từ 10-15%
1.200 người sẽ được khám bệnh và phát thuốc

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện nay có khoảng 180 DN sản xuất thuốc, giá trị ngành dược ước đạt 4,5 tỷ USD, mức độ chi tiêu cho dược phẩm của người dân đạt khảng 40 USD/người/năm. Mức độ tăng trưởng của ngành dược năm 2017 dự báo sẽ đạt trên 17%.

Về sản xuất, Việt Nam hiện có trên 150 nhà máy đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - GMP), đây là nền tảng để ngành dược đạt mục tiêu đảm bảo 100% nhu cầu thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân vào năm 2020. Ngành công nghiệp dược trong nước cũng đã đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc.

khi sieu thi ban thuoc
Luật Dược giúp người dân dễ dàng mua thuốc không kê đơn hơn, không mất thời gian chen chúc chờ đợi

Một số DN dược trong nước đang kinh doanh khá khả quan và tận dụng tốt lợi thế về quy mô để tái cơ cấu hệ thống phân phối bán hàng, như công ty cổ phần Dược Hậu Giang, công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm, công ty cổ phần Dược phẩm OPC… Hiện nay, khi luật mới thực thi sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa để DN mở rộng phân phối nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) tại các siêu thị, trung tâm mua sắm.

Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tại Điều 35, Luật Dược có quy định, cơ sở có hoạt động dược không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược bao gồm, cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc, có điều kiện bảo quản thuốc phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn thuốc; Có người chịu trách nhiệm chuyên môn có văn bằng chuyên môn sơ cấp dược trở lên và chỉ được bán thuốc thuộc Danh mục thuốc được bán tại kệ thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

So sánh với thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, các siêu thị thường bán thuốc không kê đơn (thuốc hạ sốt, thuốc bổ) như một loại hàng hóa, không cần người bán là dược sĩ, chỉ cần thuốc bán có quầy kệ đặt riêng biệt. Còn Việt Nam hiện luật đã cho phép nhưng chưa có DN bán lẻ đăng ký tham gia.

Ngoài ra, để luật đi vào thực tiễn thuận lợi, đúng thực tế còn cần thêm các văn bản dưới luật (Nghị định, thông tư) hướng dẫn cụ thể, xác định rõ là cho phép bán thuốc ở cả siêu thị, cửa hàng tiên lợi hay không.

Về việc quản lý khi DN đưa thuốc vào kinh doanh tại siêu thị, theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần dược phẩm Traphaco, tại Điều 42, khoản 1 có quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược là, cơ sở kinh doanh dược có quyền thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động kinh doanh dược nếu đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với từng loại hình cơ sở kinh doanh theo quy định của luật này;

Hưởng chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh dược theo quy định của pháp luật; Được thông tin, quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật; Tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc lưu động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Các cơ sở kinh doanh thuốc được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Y tế địa phương (tỉnh, thành phố…). Về quản lý giá thuốc trên thị trường, tại Chương 13, Điều 106, 107, 108 quy định cụ thể, quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật;

Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; Thực hiện các biện pháp bình ổn giá và sử dụng các biện pháp khác để quản lý giá thuốc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

Hay để minh bạch với người dân về giá bán thuốc, tại khoản 4, Điều 107 quy định rõ, niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; In, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác….

Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh đến nay cho thấy, đã có 2 siêu thị có quầy kinh doanh thuốc, đó là trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú và siêu thị Marximark Cộng Hòa. Quầy bán thuốc của hai nơi này do hộ cá nhân thuê mặt bằng tại trung tâm mua sắm, hoàn toàn cách biệt với khu vực bán lẻ và kinh doanh các mặt hàng khác của siêu thị.

Chị Nguyễn Nguyệt Anh, nhân viên ngân hàng cho biết, quy định này của Luật Dược giúp người dân dễ dàng mua thuốc không kê đơn hơn, không mất thời gian chen chúc chờ đợi.

THANH THANH

Tin đọc nhiều