Khi “vô tư” nợ thuế hàng trăm tỷ

14:00 | 10/12/2018

Cuối tháng 11/2018, một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết. 

Hà Nội công khai danh sách 125 đơn vị nợ thuế, phí
Nguyễn Kim nợ thuế: Phong tỏa 26 tài khoản để thu hồi

Theo đó, công ty này đã nhận được Quyết định số 1907/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế đối với kết quả thanh tra thuế trong các năm 2015, 2016, 2017, với tổng số tiền truy thu, tiền phạt là trên 4 tỷ đồng. Thông tin này cũng đã được DN công khai trên trang thông tin điện tử của mình.

khi vo tu no thue hang tram ty
Ảnh minh họa

Trong danh sách công bố mới đây của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về các DN chây ì nợ thuế với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, có không ít đại gia tên tuổi trong lĩnh vực BĐS có trụ sở đăng ký kinh doanh tại địa bàn thành phố. Trong đó, điển hình là những DN đã có mặt trên thị trường BĐS lâu năm với hàng loạt dự án trị giá đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng được triển khai trong suốt thời gian qua như trường hợp CTCP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang nợ hơn 92 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc nợ hơn 48 tỷ đồng; CTCP Vạn Phát Hưng nợ 35 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Xây dựng Cotec nợ tiền thuế hơn 29 tỷ đồng; Công ty xây dựng Hồng Anh nợ 18,5 tỷ đồng; CTCP đầu tư và phát triển Kim Oanh nợ hơn 11,2 tỷ đồng…

Trong số đó, có trường hợp DN đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế bằng cách thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hoặc mạnh hơn là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Được biết, đây là lần thứ 3 trong năm 2018, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh công khai danh sách các DN nợ thuế. Điều đáng nói, rất nhiều DN BĐS đã “ghi dấu ấn” với số tiền nợ lớn lên đến vài chục tỷ đồng, còn những trường hợp vài tỷ thì không hề hiếm như Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương nợ 33,9 tỷ đồng; CTCP Thanh Niên nợ 33,1 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Khang Thông nợ 13,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng giao thông Đức Hạnh nợ 11 tỷ đồng; CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land nợ hơn 27,3 tỷ đồng; CTCP Phát triển bất động sản Sài Gòn nợ gần 11 tỷ đồng; CTCP dịch vụ sàn địa ốc Thăng Long nợ gần 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam Trung nợ 4,3 tỷ đồng...

Theo chia sẻ của một cán bộ Cục Thuế, tình trạng nợ đọng thuế của các DN thời gian qua có xu hướng diễn biến phức tạp, khó truy thu do mức phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe, ý thức tuân thủ pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế chưa cao, thậm chí không ít DN còn cố tình “chây ì” do nợ thuế dễ hơn và nộp phạt nhẹ hơn so với việc phải đi vay lãi ngân hàng.

Cụ thể, mức tiền phạt chậm nộp thuế hiện nay trong thời gian không quá 90 ngày là 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng. Như vậy so với mức lãi suất đi vay ngân hàng vẫn thấp hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn tín dụng cho vay kinh doanh, phát triển dự án BĐS đang ngày càng “siết” lại, thì việc nợ thuế một cách “vô tư” để giữ vốn làm ăn vẫn đang được DN sử dụng.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh đưa ra cảnh báo, đây là lựa chọn “lợi bất cập hại” đối với DN BĐS. Bởi, bất cứ DN nào muốn kinh doanh bền vững trên thị trường đều phải có ý thức tuân thủ luật pháp, nếu không tôn trọng quy định về thuế cũng có thể có những hành vi coi nhẹ quy định luật pháp trong những lĩnh vực khác như an toàn lao động, chất lượng công trình, PCCC, BHXH...

Từ đó dẫn đến việc đánh mất uy tín, thương hiệu đã bao năm gây dựng trên thương trường. Đồng thời, khách hàng sẽ đặt câu hỏi về năng lực tài chính của DN BĐS khi phải nợ đọng thuế nhiều năm liền.

Hiện nay, đối với các khoản nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định pháp luật. Hiện tại, đối với DN BĐS có số nợ lớn, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, nhiều trường hợp đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Đặc biệt đối với hành vi trốn thuế, DN sẽ phải đối mặt với việc bị khởi tố cũng như kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của DN.

Minh Tuyết

Tin đọc nhiều