Khó hay vì chưa muốn?

16:30 | 29/03/2018

Rõ ràng ở Hà Nội, một số bộ phận DN còn chưa thông suốt về chủ trương và mục tiêu CPH, thoái vốn, chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc CPH, thoái vốn DN nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Vietcombank chào bán nốt hơn 6,67 triệu cổ phiếu của OCB
SCIC thoái toàn bộ vốn khỏi Maritime Bank
Hoàn tất thoái vốn tại TGDĐ, MEF II đạt tỷ suất lợi nhuận 57 lần

Từ năm 2016 UBND TP. Hà Nội đã lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ CPH 15 DN, trong đó có 4 DN phải hoàn thành CPH trong năm 2017 là Tổng công ty Thương mại Hà Nội và 3 Công ty TNHH một thành viên: Điện ảnh Hà Nội, Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội và 11 DN phải CPH xong trong năm 2018.

kho hay vi chua muon
Ảnh minh họa

Đến nay đã hết quý I/2018, trong 4 DN “phải CPH trong năm 2017”, mới chỉ có Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thực hiện CPH và sẽ IPO vào ngày 30/3/2018. Công ty Điện ảnh Hà Nội không CPH nổi vì thua lỗ kéo dài, không có khả năng thanh toán nợ, nên phải tính đến phương án cho bán DN này. Còn 2 DN là Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội mới đi đến bước thành lập Ban Chỉ đạo CPH. Trong 11 DN phải CPH xong trong năm 2018, mới có 4 DN thành lập Ban chỉ đạo CPH 7 DN còn lại vẫn “đang chuẩn bị”.

Không chỉ CPH ì ạch mà việc thoái vốn ở Hà Nội tiến hành khá chậm, đã gần hết quý đầu của năm 2018, nhưng mới chỉ thoái vốn được ở 2 DN trong số 17 DN phải hoàn thành việc thoái vốn trong năm 2017.

Và kế hoạch của năm 2018 là thoái vốn ở 17 DN nữa, nhưng đến nay công việc chuẩn bị vẫn chưa xong. Là một đầu tàu của cả nước, lại rất gần Trung ương, và Chính phủ luôn sẵn sàng chỉ đạo ngay, giải quyết ngay những vướng mắc trong quá trình CPH và thoái vốn, tình trạng thực hiện chậm của Hà Nội cho thấy để công việc CPH và thoái vốn của Hà Nội và của cả nước thực hiện đúng như tiến độ và kế hoạch, thì cần có thêm biện pháp.

Giải thích cho việc không hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra của năm 2017, phía Hà Nội có cho biết do nửa đầu năm 2017, các DN và những người có trách nhiệm đều có tâm lý chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP được ban hành, đã rồi mới thực hiện theo Nghị định mới. Trong khi lẽ ra những khâu chuẩn bị như rà soát, thành lập Ban chỉ đạo CPH... hoàn toàn có thể làm trước, làm sẵn không cần chờ Nghị định mới.

Hà Nội cũng cho rằng do các DN thực hiện CPH và thoái vốn giai đoạn này đều là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tính chất phức tạp, nhiều tính đặc thù, vì thế cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý các tồn tại, vướng mắc.

Một lý giải nữa là Hà Nội cũng đang vướng mắc khi thoái vốn nhà nước tại các CTCP đã niêm yết trên TTCK hoặc đã đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom, một số DN sau khi CPH có tỷ lệ vốn nhà nước cao (trên 90%) nhưng giá giao dịch chứng khoán trên thị trường không ổn định, số lượng giao dịch ít... điều kiện thị trường chưa thuận lợi, thời điểm thực hiện không đạt hiệu quả cao, nên không muốn bán rẻ tài sản nhà nước. Có người nêu nguyên nhân “việc định giá của DN nhà nước không thể chính xác tuyệt đối và dẫn đến khó tìm được sự đồng thuận trong chỉ đạo và triển khai thực hiện”... Rồi, phần lớn các DN trong diện CPH sở hữu rất nhiều đất đai và ở vị trí đẹp, dĩ nhiên sẽ khó khăn phức tạp hơn...

Bề ngoài thì thấy đây là những nguyên nhân, những lý do rất chính đáng, nhưng rõ ràng đã có sự “trì hoãn” trong thực hiện. Bởi đã có cơ chế: nếu những khó khăn vướng mắc gặp phải mà vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những gì thuộc thẩm quyền Hà Nội giải quyết thì phải chủ động bàn để giải quyết. Nhưng chưa có một ý kiến đề xuất nào tới Chính phủ đề nghị “gỡ khó” của Hà Nội.

Khó và vướng ở đâu cũng có nhưng vấn đề là Hà Nội đã quyết liệt thực sự hay chưa? Rõ ràng ở Hà Nội, một số bộ phận DN còn chưa thông suốt về chủ trương và mục tiêu CPH, thoái vốn, chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc CPH, thoái vốn DN nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Để đảm bảo công tác CPH DN nhà nước không bị gián đoạn, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn phải phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và DN, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ và gắn kết, làm rõ trách nhiệm, chủ động và kịp thời trong giải quyết và xử lý các công việc liên quan. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu DN trong công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước và quản lý, điều hành hoạt động của DN. Xử lý nghiêm các trường hợp gây chậm trễ không đảm bảo tiến độ và chất lượng CPH. Phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo DN, trách nhiệm của sở, ngành với tiến độ và chất lượng sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều