Không kham nổi chi phí kế toán

09:00 | 28/10/2015

Cải cách hành chính kế toán được nhìn nhận là chuyển biến chậm và còn tương đối cứng nhắc, tạo gánh nặng tuân thủ cho DN.

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây đưa ra một dữ liệu rất đáng chú ý: chi phí tuân thủ quy định về kế toán của DN lớn khoảng 1% doanh thu, trong khi của DNNVV chiếm tới 5-6% doanh thu.

Đại diện IFC cho biết: Lúc đầu chúng tôi nghĩ là do thanh tra, kiểm tra, kê khai thuế, nhưng bóc tách thì thật ngạc nhiên khi thấy chi phí thực theo ghi chép sổ sách chiếm tỷ lệ cao như vậy... Nhìn chung, chi phí tuân thủ kế toán cao chủ yếu do thuê kế toán viên, kế toán trưởng, dịch vụ kế toán.

khong kham noi chi phi ke toan
Chi phí tuân thủ kế toán chiếm tỷ lệ quá cao trong doanh thu DN nhỏ và siêu nhỏ

TS. Nguyễn Quốc Thắng, Phó trưởng Khoa Kế toán - Kiểm toán (Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) giải thích, những bất cập nêu trên xuất phát từ việc thực thi Luật DN (kể cả Luật mới sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015), với quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN.

Theo đó, khi thực hiện chế độ kế toán theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn phải áp dụng đầy đủ và triệt để hệ thống chuẩn mực kế toán chung. Mà các quy định về kế toán thì chế độ kế toán này còn khá phức tạp với DN nhỏ và siêu nhỏ, khi họ vẫn phải duy trì hệ thống sổ kế toán (sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết), các loại báo cáo định kỳ…

Chính quy định này đã tạo ra nhiều DN siêu nhỏ, nhỏ chỉ theo hình thức pháp lý chứ không phải mong muốn, năng lực nội tại của người kinh doanh. Trong khi đó, việc “lên đời” DN dù là siêu nhỏ, nhưng với định nghĩa DNNVV quá rộng, quy mô doanh thu dưới 100 tỷ đồng (trong khi thực tế tại Việt Nam có tới 42% DN có quy mô doanh thu dưới 1 tỷ đồng, 84% có ngưỡng doanh thu dưới 20 tỷ đồng), khiến các DN nhỏ và siêu nhỏ phải khoác lên mình một chiếc áo quá rộng. Chi phí tuân thủ vì thế trở thành một vấn đề nhức nhối với DN nhỏ, siêu nhỏ.

Chỉ riêng việc tuân thủ luật kế toán, nếu tuyển đủ cả bộ máy kế toán trưởng, thủ kho, thủ quỹ với mức chi phí 80 triệu đồng/người/năm thì DN có quy mô dưới 1 tỷ đồng doanh thu phải chi ngót nghét 1/4 doanh thu.

Chính vì vậy, nhiều khi DN chỉ thuê một người vừa là kế toán trưởng, vừa là thủ quỹ, thủ kho, kiêm cả bán hàng. Với phần lớn DN nhỏ, siêu nhỏ là DN gia đình, họ có xu hướng bổ nhiệm con làm kế toán trưởng, mẹ làm thủ quỹ...

“Như vậy là vi phạm. Nhưng nếu tuân thủ đủ thì chi phí thực hiện không kham nổi”, ông Thắng nói. Chưa kể phần lớn kế toán của DN chưa có chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về thuế và chứng chỉ hành nghề kế toán, từ đó gây tổn thất cho DN sau mỗi lần thanh kiểm tra thuế.

Sự bất cập về kế toán đối với DN nhỏ gây ra hậu quả lớn đối với chính các DN và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Với DN là thiếu sự minh bạch về tài chính, không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, khó có thể mở rộng phạm vi kinh doanh; đối với nền kinh tế là thất thu thuế Nhà nước và định hướng chiến lược cho mô hình này không chuẩn do dựa trên những báo cáo của DN không trung thực. Quan trọng hơn việc đưa ra những quy định nhưng không được tuân thủ tạo thói quen không tuân thủ cho DN.

Thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức thực hiện công tác kế toán tại các DNNVV thuộc lĩnh vực ngoài quốc doanh còn nhiều bất cập, công tác kế toán chủ yếu nhằm đối phó với cơ quan thuế. Nhiều DN làm hai thậm chí ba bộ sổ sách trong hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của DN: một hệ thống nội bộ để phản ánh kết quả kinh doanh thực và một hệ thống đã chế biến để nộp cho cơ quan thuế nhằm mục đích trốn tránh, giảm thuế…

Trước những rào cản này, các chuyên gia cho rằng cần có những bước chuyển trong việc thực hiện hỗ trợ DN về tuân thủ quy định kế toán. “Người bỏ vốn kinh doanh có quyền lựa chọn hình thức là thương nhân hay chủ DN, không ép người kinh doanh theo hình thức pháp lý”, ông Thắng đề xuất.

Đồng thời, Luật Kế toán cần sửa đổi, bổ sung theo hướng phân biệt DN theo quy mô, nhất là trong các quy định về đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, kế toán trưởng… Sửa đổi các quy định cho phù hợp với DN nhỏ, siêu nhỏ, công ty gia đình không có đa sở hữu.

Bộ Tài chính xây dựng tách riêng chế độ kế toán cho DN vừa, DN nhỏ và DN siêu nhỏ để phù hợp với quy mô, năng lực và trình độ của từng nhóm, tiết kiệm chi phí tuân thủ cho DN. Chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ cần đơn giản hoá, gắn việc lập báo cáo thuế với báo cáo kế toán (không có các nhà đầu tư, các bên có liên quan…).

Hoàng Hoa

Tin đọc nhiều