Không lo thiếu, chỉ ngại vốn tồi

09:15 | 16/11/2018

Các chuyên gia nhận định tình hình thu hút vốn FDI sẽ sớm được cải thiện, nhất là sau khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ẩn số vốn FDI rút khỏi Trung Quốc
FDI làm chậm nâng cao chất lượng nhân lực
Thoát vòng luẩn quẩn FDI

Sau nhiều tháng tăng chậm, vốn nước ngoài vào Việt Nam đã bắt đầu sụt giảm từ tháng 9/2018. Tính chung 10 tháng vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài ước đạt 27,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm ở cả 2 hình thức là đăng ký mới và tăng thêm, với mức giảm lần lượt 7,2% và 10%. Trong khi đó, số vốn góp, mua cổ phần của NĐT nước ngoài mặc dù vẫn tăng khá cao ở mức 35,8%, song đây là mức tăng thấp kể từ khi số liệu thống kê về hình thức đầu tư này chính thức được ghi nhận. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2018, thực tế này cho thấy rất có khả năng số vốn nước ngoài thu hút được trong năm nay sẽ không vượt được năm 2017.

khong lo thieu chi ngai von toi
Vốn đầu tư nước ngoài đang giảm nhưng còn nhiều triển vọng để bật tăng

Không phủ nhận vốn nước ngoài vào Việt Nam đang chững lại, song ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng điều này không đáng lo bởi vốn giải ngân vẫn tương đối tốt. Cụ thể là tính đến ngày 20/10/2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Toàn đánh giá, thu hút vốn mới từ đầu năm đến nay gặp trục trặc do các diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, theo đó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ra những xáo trộn nhất định. Ông cũng bổ sung, việc vốn ngoại chững lại không phải do môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn hơn. Thay vào đó, hiện nay các địa phương đã có động thái mới là trọng chất hơn lượng khi lựa chọn thu hút đầu tư. Điều này cũng phần nào khiến vốn FDI thu hút mới giảm đi.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tình hình thu hút vốn FDI sẽ sớm được cải thiện, nhất là sau khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, các lĩnh vực như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, logistic, nông nghiệp... sẽ có nhiều lợi thế và DN FDI sẽ mạnh tay rót vốn đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư.

Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, CPTPP sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu của các nước bên kia bờ Thái Bình Dương, như Canada, Mexico, Peru - những thị trường Việt Nam chưa có FTA. Thậm chí, ngay cả với các thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội cho DN tiếp cận các thị trường này, từ đó gia tăng dòng vốn FDI để đón đầu cơ hội thương mại.

Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế là việc tìm kiếm nhà cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam vẫn là bài toán làm đau đầu các NĐT nước ngoài. Theo một DN FDI trong lĩnh vực sản xuất nhựa, các NĐT lớn luôn tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng chất lượng tại thị trường nội địa để giảm thiểu chi phí nhập khẩu. Vì vậy đây là cơ hội để DN mở rộng đầu tư, cũng như hình thành các trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam để tập trung phát triển các sản phẩm mới. Vị này cũng nhận định rằng, với xu hướng đó thì số vốn đăng ký mới và tăng thêm sẽ tiếp tục rót mạnh hơn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dù quy mô mỗi dự án không lớn, song nếu “tích tiểu thành đại”, sẽ là nguồn vốn đáng kể đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn cũng bày tỏ hy vọng, cùng với CPTPP, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới, tuy nhiên kỳ vọng đang dồn vào dòng vốn chất lượng cao từ các nước EU, Mỹ hay một số nước trong CPTPP như Canada.

Số liệu thống kê cho thấy, vốn từ các nước này còn thấp so với quan hệ thương mại, văn hoá, chính trị giữa hai bên. Chẳng hạn hiện Mỹ chỉ đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hoặc vốn từ EU chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD trong khi khu vực này có tới 28 nước, rất thấp so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, hay Đài Loan.

“Qua đó có thể hiểu là môi trường đầu tư Việt Nam đối với các nước này còn nhiều vấn đề cần cải thiện như tính minh bạch, quyền sở hữu trí tuệ”, ông khuyến cáo.

Cùng với đó, một vấn đề khác cần cảnh báo là sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thực thi, Việt Nam chuẩn bị ký EVFTA, CPTPP, thì đầu tư từ Trung Quốc tăng đột biến. “Trong khi một số tỉnh khi nhận đầu tư Trung Quốc đã rất dè dặt mà đầu tư từ nước này vẫn tăng, thì đó là động thái phải nghiên cứu”, ông Toàn khuyến nghị. Cùng với đó, ông đề nghị các DN, cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương phải chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, quản lý hiện đại, không thâm dụng năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững…

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều