Không nên quá bi quan

09:38 | 15/08/2016

Những khó khăn của ngành Ngân hàng đang phản ánh thách thức nói chung của nền kinh tế trong nửa đầu năm và có thể kéo dài đến hết năm nay.

Thế cờ không quá bi quan
Xu hướng ngắn hạn còn bi quan
Bi quan với triển vọng kinh doanh

Bức tranh kinh tế dần được phác họa qua kết quả kinh doanh quý II của các DN, nhất là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng nỗi lo âu lớn nhất hiện nay dường như đang tập trung vào ngành cốt yếu của nền kinh tế: ngân hàng. Ngoại trừ VCB vẫn đang kinh doanh khá vững, thì kết quả kinh doanh của những ngân hàng khác cho thấy một thực tế là họ vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

khong nen qua bi quan

Như tại SHB, chi phí hoạt động tăng mạnh khiến cho lợi nhuận quý II của ngân hàng này chỉ còn 179 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tại NCB, lợi nhuận 6 tháng đầu năm gần như không đáng kể, trong khi tại MB cũng có dấu hiệu tăng chậm lại khi lợi nhuận quý II suy giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Những khó khăn của ngành Ngân hàng đang phản ánh thách thức nói chung của nền kinh tế trong nửa đầu năm, và có thể kéo dài đến hết năm nay.

Như tại VPBank, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 1,7%, thuộc dạng thấp nhất trong hệ thống. Dĩ nhiên, điều này cũng khá bất thường và gây tâm lý không tốt trên thị trường bởi trong các năm trước đó, VPBank luôn nằm ở top đầu trong việc gia tăng tốc độ cho vay.

Nhưng dù sao trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá cao. Dòng vốn FDI đang đổ bộ mạnh vào Việt Nam trong khi Thái Lan lại sụt giảm đến 90%. Theo bình luận của tờ The Economist, Việt Nam có tiềm năng trở thành một “con hổ” của châu Á như câu chuyện của Hàn Quốc, Đài Loan trong thế kỷ trước một khi tận dụng tốt những lợi thế cạnh tranh của mình.

Nhìn chung vẫn còn nhiều thách thức về mặt cấu trúc nền kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, nếu so với thời gian trước đây, khả năng phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng tốt hơn.

Và giới quan sát cho rằng, vẫn có một số lĩnh vực tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt, nhất là xây dựng và BĐS. Các công ty đầu ngành như Cotecons, Hòa Bình, Vingroup, KBC, Khang Điền công bố những kết quả kinh doanh vượt bậc. Cá biệt có Vingroup khi DN này gần như đã hoàn thành được kế hoạch cả năm chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm.

Hay như mảng bán lẻ cũng chứng kiến một nửa đầu năm rất khả quan. Thế giới Di động có lợi nhuận ròng tăng mạnh 93% so với cùng kỳ khi đạt 835 tỷ đồng. Sự thịnh vượng của ngành bán lẻ đang là động lực để một số quỹ đầu tư nước ngoài như Mekong Capital, Vina Capital đẩy mạnh đầu tư vào các DN trong ngành bằng những thương vụ khá hoành tráng gần đây.

Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Có một điều đáng lưu ý rằng, dù sụt giảm hơn 6% trong hơn nửa cuối tháng 7 vừa qua, nhưng thực tế thì chỉ số VN-Index vẫn đang duy trì ở mức cao trong vòng hai năm trở lại đây.

Nguyễn Sơn

Tin đọc nhiều