Kinh doanh bằng sản phẩm của người khác

08:00 | 06/08/2018

Sau nhiều năm du học tại Đài Loan, ưa thích sản phẩm Pizza Conner và tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, khi về nước chị Linh nhận nhượng quyền phân phối sản phẩm của thương hiệu đồ ăn nhanh này trên thị trường Việt Nam. 

Làn sóng start up bằng nhượng quyền

Với giá trị nhượng quyền tương đương với 300 triệu đồng, chị Linh đã đạt được thỏa thuận với ông chủ Đài Loan. Trong hai năm qua, chị Linh đã kinh doanh khá tốt với 3 cửa hàng. Một quỹ đầu tư mạo hiểm mới đây hứa hẹn đầu tư vào chuỗi cửa hàng Pizza Conner của chị Linh.

kinh doanh bang san pham cua nguoi khac
Ảnh minh họa

Tương tự, vợ chồng chị Hà cũng nhận nhượng quyền thương hiệu trà sữa M&M của Hàn Quốc với số tiền đầu tư ban đầu 1 tỷ đồng. Đến nay, chị đã mở được chuỗi ba cửa hàng trà sữa.

“Tôi hy vọng có thể kinh doanh tốt rồi sau đó cũng có thể nhượng quyền thương hiệu này cho người khác để tạo thành chuỗi cửa hàng lớn mạnh”, chị Hà nói thêm.

Thực tế, việc kinh doanh nhượng quyền gần đây được nhiều người trẻ lựa chọn, do số tiền đầu tư không quá lớn và tỷ lệ ăn chia doanh số bán hàng với nhà sáng lập thương hiệu trên doanh số bán hàng đã có sẵn.

Trong khi đó, kinh doanh theo hình thức nhượng quyền cũng ít chịu rủi ro bởi quá trình kinh doanh của bên nhượng quyền đã khá là vững chắc và các sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền đã được tung ra thị trường khá thành công.

Đồng thời, các bên nhượng quyền cũng nắm khá rõ về sản phẩm, chiến dịch quảng bá dịch vụ của mình. Vì thế, khi bên nhận quyền nhận lại sẽ ít gặp rủi ro nhất trong quá trình kinh doanh của mình về sau này.

Không những vậy, người nhận nhượng quyền không tốn thời gian và chi phí để xây dựng thương hiệu bởi đã được thừa hưởng thương hiệu của sản phẩm mà bên nhượng quyền đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian để tạo dựng nên.

Ngoài ra, khi mua lại quyền kinh doanh, bên mua chỉ cần tập trung vào việc điều hành các hoạt động trong công việc kinh doanh, còn các vấn đề về xây dựng chiến lược quảng bá, tiếp thị, các quy trình vận hành sẽ do bên nhượng quyền chịu trách nhiệm và chuyển giao…

Đó chính là lý do khiến nhượng quyền thương mại phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu của Bộ Công Thương, thị trường nhượng quyền Việt Nam mỗi năm có mức tăng trưởng khoảng 15-20%. Hiện nay, đang có gần 500 thương hiệu đăng ký nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó hơn 80% là các thương hiệu nước ngoài.

Nhận nhượng quyền cũng cần tính toán

Có một thực tế, những thương hiệu nổi tiếng thế giới khi nhượng quyền cũng tìm những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, trong khi những nhãn hàng chưa nổi tiếng thường tìm chọn đối tác dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng khuyến cáo những người trẻ nhận nhượng quyền các nhãn hiệu nước ngoài để kinh doanh trên nước Việt cần cẩn trọng với việc định giá thương hiệu cho đúng và đủ để không bị hớ trong quá trình nhận nhượng quyền.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh, chuyên gia kiểm toán thuộc Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) kể lại, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm cách nay 10 năm đã phải bỏ ra 2,6 tỷ đồng để mua lại một nhãn hàng của một công ty Pháp để về kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Thời điểm đó, mua bán rất cảm tính và không có thước đo nào định giá các thương hiệu nước ngoài cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên sau đó, những người có chuyên môn tính toán lại toàn bộ và chỉ ra thương vụ nhượng quyền đó chỉ nên có giá khoảng vài trăm triệu đồng là phù hợp.

Hiện có rất nhiều tổ chức đầu tư, tư vấn, những người có khả năng đọc hiểu báo cáo tài chính, thẩm định giá trị doanh nghiệp, định giá thương hiệu... đang hoạt động tại Việt Nam có thể giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp khởi nghiệp có thể mua được thương hiệu tốt, giá rẻ…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, hình thức nhận nhượng quyền những nhãn hiệu chưa trở thành thương hiệu toàn cầu cũng chỉ là bước đầu khởi nghiệp chứ không nên theo đuổi mục đích này lâu dài.

Kim

Tin đọc nhiều