Kinh tế số hóa: Bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam

15:00 | 25/10/2017

Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tiếp cận CMCN 4.0: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
Nhận diện rủi ro, tránh nguy cơ thua thiệt
Cần khai thác hiệu quả tài nguyên số

Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng DN hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt. Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “Kinh tế số hóa - Thế giới không chờ chúng ta” vừa diễn ra.

Khi kinh tế số… không chờ

“Trong 22 tiếng bay từ Paris về Hà Nội hôm qua, tôi đã suy nghĩ và đặt ra câu hỏi thế giới chúng ta sẽ đi về đâu với nền kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ. Kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ sẽ là trọng tâm của các quốc gia trong thời gian tới và chúng ta phải bắt đầu từ đâu” GS.Nguyễn Đức Khương (Đại học IPAG Pháp, thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ) đã chia sẻ suy nghĩ của ông.

Khi kinh tế số hóa đang dần ngấm vào cuộc sống mỗi người, ông nói, hai mươi, ba mươi năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không làm những công việc mà chúng ta đang làm bây giờ. Ở các nước phát triển 90% các giao dịch thanh toán và 80% các giao dịch mua bán đã thanh toán và mua bán online. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và hàng loạt các quốc gia đang coi kinh tế số hóa là chiến lược phát triển.

kinh te so hoa bai toan chien luoc voi chinh phu viet nam
Với CMCN 4.0 khả năng Uber sẽ bị cướp ngôi vì đổi mới sáng tạo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn

Kinh tế số hóa đang ngấm dần và đang mở ra nhiều cơ hội hơn nhưng cũng đang đe dọa sự hủy diệt mạnh mẽ. Báo in đang đứng trước sự cáo chung vì đang bị báo điện tử lấn át. Báo điện tử đang bị facebook đe dọa. Taxi thì đang lo đứng lo ngồi trước sự xuất hiện của Uber và Grab. Truyền hình đang bị Youtube lấy dần người xem. Thương mại truyền thống đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thương mại điện tử và các trang bán hàng bằng công nghệ như Lazda, Alibaba... Các nhà mạng như VinaPhone, Viettel đang giảm doanh số vì Messenger...

Còn ông Aymeril Hoang - Giám đốc Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Tài chính quốc tế Société Générale với 150.000 nhân viên trên toàn thế giới cũng nói rằng: “Mọi sự đang diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Bây giờ nhiều người trong tập đoàn chúng tôi đang thấy an toàn với việc làm ổn định và thu nhập cao. Nhưng tôi không biết năm, mười năm tới tôi sẽ thế nào, trước ảnh hưởng của tự động hóa thôi, chưa nói đến ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo. Đến lúc đó tôi có còn kiếm đủ tiền nuôi vợ và 2 con hay không”.

Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mô hình kinh tế mới được tạo ra, với những biến đổi căn bản trong các ngành công nghiệp. Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các start-up phát triển trên nhiều lĩnh vực, như hạ tầng tin, sản xuất xe ôtô, hàng không vũ trụ, giao dịch tài chính...

Thế nhưng “chỉ 3 năm sau nữa thì nhiều khả năng Uber sẽ bị cướp ngôi vì đổi mới sáng tạo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn”... ông Bertrand Gassani - Giám đốc về khoa học dữ liệu Capgemini Consulting dự báo và kết luận rằng, “Công cụ số hóa, trí tuệ nhân tạo, học tập trọn đời, đó là những điều chúng ta luôn cần thay đổi và thực hiện liên tục trong thời kinh tế số hóa”.

Cần hành động từ Chính phủ

Trên thị trường nội địa, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab, Facebook, Viber… đã tạo ra những dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng đồng thời tận dụng rất hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Theo đó, họ cũng tạo ra những áp lực lên với các mô hình DN truyền thống. Từ cá nhân, DN đến Chính phủ đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải giải quyết các bài toán thông qua các công cụ hành chính và chính sách, để có thể cân bằng lợi ích giữa các bên kinh tế một cách bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ kinh nghiệm đầu tư vào các DN đầu tư mạo hiểm và các start-up, các DN phát triển kỹ thuật số... ở Việt Nam, VinaCapital nhận thấy tốc độ phát triển công nghệ số ở Việt Nam nhanh vào hàng đầu thế giới.

Nhưng ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial nhận ra rằng “Tuy có tốc độ phát triển nhanh nhưng Việt Nam đang có nguy cơ thụt lùi”. “Nếu không bắt kịp sẽ bị thụt lùi. Ai phát triển kinh tế số ở DN mình thì sẽ phát triển”, ông Phúc khuyên.

Bà Sophie Pène - Phó chủ tịch Hội đồng quốc gia về số hóa của Chính phủ Pháp dự báo mười, hai mươi năm tới thì có tới 65% sinh viên hiện nay sẽ làm những việc mà ngày nay chưa có, đó là họ sẽ phải dạy bảo, huấn luyện robot. Và đến năm 2020 thôi, sẽ không cần đến 50% số nhân lực vì máy móc và công nghệ thay thế.

Xu hướng kinh tế số hóa không thể quay ngược, nhưng kinh tế số giúp tăng nguồn lực cả nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên, kinh tế số sẽ giảm chi phí sản xuất, tạo sự vượt trội... Vậy “Việt Nam phải làm sao tăng tốc để bắt kịp” bởi thế giới không chờ chúng ta. Để bắt kịp, bà Sophie Pène an ủi bằng lời khuyên “mô hình học tập suốt đời cần đẩy mạnh hơn nữa, để đảm bảo trong tương lai bạn không bị thay thế bởi máy móc”. Để bắt kịp, ông Phúc cho rằng, cần khẩn trương hỗ trợ DN, nhất là DNNVV hội nhập vào thời kinh tế số, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và DN để có thể giúp các DN phát triển vững mạnh. Cần có chính sách và giải pháp để tự động hóa ở các khâu, trong mọi lĩnh vực, sao cho có chi phí sản xuất thấp nhất.

Và bài toán chiến lược đặt ra với Chính phủ trong giai đoạn then chốt là những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0, tránh những nguy cơ tụt hậu, khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị trên mọi phương diện. Còn GS. Khương thì lạc quan: “Tôi tin rằng là chúng ta sẽ không để thế giới phải chờ đợi chúng ta. Chúng ta sẽ tăng tốc, bắt kịp để trở thành đối tác hàng đầu cùng lãnh đạo tham gia vào sự phát triển kinh tế số hóa của thế giới”, ông Khương kết luận.

Minh Toàn

Tin đọc nhiều