Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt

09:21 | 10/06/2019

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là về tăng trưởng, đầu tư, thương mại, tạo việc làm, đóng góp vào NSNN. Năm 2018, kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP và có dấu hiệu tăng lên...

Kinh tế tư nhân: Để trở thành trụ cột tăng trưởng thứ 4
Kinh tế tư nhân nổi lên như động lực, dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế

Kinh tế tư nhân: ô tô đã chạy, máy bay đã bay

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (sau đây gọi là Nghị quyết 10). Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả hệ thống nhà nước và trong cộng đồng DN.

Theo TS.Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, Nghị quyết 10 là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam. Nó mở đường cho một loạt các chính sách, chương trình hành động dứt khoát và mạnh mẽ hơn của Chính phủ, các cơ quan nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10 cũng tạo động lực và niềm tin to lớn hơn của các DN, doanh nhân, những tác nhân chủ chốt của khu vực kinh tế tư nhân…

Niềm tin thể hiện ở những hành động cụ thể của DN trong hai năm sau khi Nghị quyết được ban hành. Đó là làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi động, lan tỏa rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Năm 2018 lượng DN đăng ký thành lập mới đạt con số kỷ lục: 131.275 DN và tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 141,% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 cũng có gần 54.000 DN đăng ký thành lập mới - cao nhất trong 5 năm qua. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm đã lên đến 1,7 triệu tỷ đồng.

“Con số này lớn hơn bất kỳ một giai đoạn nào trước đây của lịch sử kinh tế Việt Nam. Xu thế này sẽ còn tiếp tục được lặp lại trong năm 2019 và trong những năm tới đây”, chuyên gia Lê Duy Bình tin tưởng.

Niềm tin và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân không chỉ được thể hiện ở những con số định lượng, mà còn qua việc kinh tế tư nhân đã “xông xáo” vào nhiều lĩnh vực vốn được xem là đầy khó khăn. Đơn cử chỉ 3 năm trước đây thôi, Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn còn là vùng đất hoang vu; thế mà giờ đây nơi này đã có một sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Sun Group đầu tư theo hình thức BOT. Hay như việc trên đường phố đã xuất hiện những chiếc ôtô VinFast của Vingroup chạy thử nghiệm, rồi những chuyến bay của Bamboo Airways của FLC…

“Thực tế, sân bay đã vận hành, ô tô đã chạy, máy bay đã bay. Tôi tin, đằng sau các quyết định có vẻ dị thường, khó tin ấy là một tập thể trí tuệ lớn dám đột phá, dám thay đổi”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương bình luận.

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là về tăng trưởng, đầu tư, thương mại, tạo việc làm, đóng góp vào NSNN. Năm 2018, kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP và có dấu hiệu tăng lên.

Cần tiếp tục cởi trói, tháo gỡ khó khăn

Có thể khẳng định Nghị quyết 10 góp thêm ngọn gió vào nhiệt huyết doanh nhân, mở cửa cho ý tưởng sáng tạo, và ý chí nghĩ là làm của doanh nhân Việt, của DN Việt; đã tạo thêm niềm tin cho họ khi đã thúc đẩy được sự chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy lẫn hành động của phía Nhà nước.

Về tư duy, như vị Giám đốc Economica đã nói, Nghị quyết 10 là một dấu chấm dứt khoát, kết thúc các tư tưởng, chính sách phân biệt đối xử với khu vực kinh tế tư nhân. Còn về hành động, Nghị quyết đã mở đường cho một loạt các chính sách, chương trình hành động dứt khoát và mạnh mẽ hơn. Báo cáo về 2 năm thực hiện Nghị quyết 10, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát khẳng định: Toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã nỗ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 10.

Nghị quyết 10 đã được thể chế hóa. Khung khổ pháp lý, chính sách tiếp tục được hoàn thiện tạo thuận lợi hơn để kinh tế tư nhân phát triển. Quốc hội đã ban hành và chỉ đạo triển khai một số luật quan trọng. Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ hộ gia đình, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo đã được thực hiện đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện...

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.

Tuy nhiên, theo báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Kinh tế trung ương, những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu. Nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục; nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 10 chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ và chưa mang lại sự chuyển biến, hiệu quả rõ rệt trên thực tế.

Và theo đánh giá của TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển.

“Nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá, nhất là về cải thiện môi trường kinh doanh và thiếu sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành của nhân dân và khu vực kinh tế tư nhân thì một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 khó đạt được”, báo cáo của Ban Kinh tế trung ương viết.

“Chúng ta không thể chờ mãi chúng ta cần sự chung tay của tất cả các bên từ cấp cao nhất đến cấp thành phố, đơn vị quản lý trực tiếp DN, cần nâng cao ý thức phục vụ DN như Chính phủ đã xác định”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn BKAV phát biểu.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều