Kỳ vọng khung pháp lý PPP

16:30 | 18/05/2018

Cơ chế chưa ổn định khiến nhà đầu tư nước ngoài không đủ khả năng và kiên nhẫn vượt qua.

Nhà đầu tư ngóng luật về PPP
Gỡ khó cho PPP
Áp dụng cơ chế đặc thù triển khai các dự án PPP tại Hà Nội

Nhiều quy định trong quy trình, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ban hành ngày 4/5 vừa qua, thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP năm 2015. Những điểm mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án PPP, qua đó tăng sức hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với NĐT nhờ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án.

ky vong khung phap ly ppp
Chính sách thông suốt và ổn định lâu dài sẽ thu hút hơn nữa các NĐT nước ngoài

Thêm nguồn lực, giảm rủi ro

Nghị định 63 quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP. Trong đó, 2 vấn đề được quan tâm nhất chính là thay đổi quy định về phần vốn góp Nhà nước tham gia vào dự án PPP; và quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT tham gia dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 63 mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án gồm: bổ sung vốn góp của Nhà nước; vốn thanh toán cho NĐT; quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho NĐT hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho NĐT trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT; vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Vấn đề thứ 2 được quan tâm là thay đổi quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT trong Nghị định 63 theo hướng tăng lên tối thiểu 20% tổng mức đầu tư so với mức 15% của Nghị định 15/2015. Theo đó, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư, trong khi Nghị định 15 là 15%.

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT được xác định theo nguyên tắc: Phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%, Nghị định 15 là 15%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Vẫn chờ khung pháp lý cao nhất

Các chuyên gia nhận định việc quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu là cần thiết để đảm bảo chọn được NĐT có đủ năng lực tài chính tham gia dự án PPP. Tuy nhiên từ phía các NĐT, quy định về vốn chủ sở hữu bị siết chặt hơn lại gây thêm khó khăn cho họ.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco đặt vấn đề, Luật DN yêu cầu phải góp đủ vốn mới được thực hiện dự án, nhưng với các dự án hạ tầng có quy mô lớn, nếu ngay lập tức buộc NĐT phải góp khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng mới có quyền thực hiện thì rất lãng phí. “Nếu bắt DN phải để tiền vào một chỗ trong 5-7 tháng, 1 năm, thậm chí nếu vướng mặt bằng phải chờ đến 2-3 năm thì rất lãng phí, bất cập”, ông Dũng nhấn mạnh. Các NĐT cho rằng việc quy định về vốn chủ sở hữu là cần thiết, song nên bổ sung theo hướng các DN thực hiện dự án PPP góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án.

Đánh giá tổng quan về hành lang pháp lý hiện tại đối với hình thức đầu tư PPP, các DN đang tham gia vào lĩnh vực này cho rằng tuy đã có nhiều sửa đổi song vẫn chưa đủ vững chắc để thu hút được các NĐT lớn. Hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều luật chuyên ngành trong suốt vòng đời một dự án PPP từ bước chuẩn bị đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác dự án.

Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó TGĐ Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 cho biết, mặc dù quy định hợp đồng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mà DN này đang thực hiện có các điều khoản cụ thể, song khi áp dụng thực tế thì các cơ quan quản lý chuyên ngành trong từng lĩnh vực lại không chấp nhận các điều khoản này vì cho rằng quy định trong hợp đồng là trái với luật.

Ông Thành giải thích, dự án BOT điện có nhiều cơ chế phải xin đặc thù, ví dụ chuyển đổi ngoại tệ, ngôn ngữ, bảo lãnh của Chính phủ với than điện… Sau khi ký hợp đồng xong và bước vào giai đoạn triển khai, các cơ quan quản lý từng lĩnh vực nói đây không phải văn bản luật, khiến chủ đầu tư không có cơ sở để thực hiện. Từ chính vướng mắc trong thực tế, ông Thành khuyến nghị các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án PPP cần sớm được quy định thành luật riêng, như vậy mới có tính thống nhất, phổ quát để các bên cùng phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó TGĐ Công ty kiểm toán KPMG khẳng định, sự quan tâm của các NĐT nước ngoài đến dự án PPP là có thật và đang ngày càng tăng lên. Theo ông Ái, NĐT đã tham gia nhưng không trực tiếp mà thông qua việc mua lại cổ phần của một số công ty Việt Nam đầu tư vào các dự án BOT.

“Vì cơ chế của mình tham gia vào BOT rất phức tạp khiến họ không đủ khả năng và kiên nhẫn vượt qua các rào cản này, nên họ thường chờ đợi các NĐT Việt Nam tham gia vào sau đó mua cổ phần của NĐT Việt Nam”, ông cho biết.

Tuy nhiên về lâu dài, nếu không được đưa vào luật thì những thay đổi về môi trường pháp lý sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT tham gia lĩnh vực này. Vì vậy cơ chế chính sách thông suốt và ổn định trong thời gian dài sẽ thu hút hơn nữa các NĐT nước ngoài.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi ban hành Nghị định 63, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục chỉnh sửa Nghị định 30/2015 để tháo gỡ các bất cập. Song vấn đề quan trọng nhất là bộ đang xây dựng Luật Đầu tư PPP dự kiến trình Quốc hội năm sau, sẽ tạo được sự minh bạch, yên tâm hơn cho các NĐT, khuyến khích họ mạnh dạn bỏ tiền vào đầu tư các công trình hạ tầng.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều