Kỳ vọng ở thị trường Lào

09:37 | 16/04/2015

Dù quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thị trường Lào rất có tiềm năng cho các DN đầu tư, kinh doanh.

Tại 82 chợ và các trung tâm thương mại lớn ở Viêng Chăn, thủ đô của Lào, hàng Việt Nam chiếm khoảng 15 - 20% trên các kệ trưng bày. Nắm được thị hiếu của người dân sở tại là thích dùng hàng hóa của các nước trong khu vực, nhiều DN Việt đã tích cực tiếp cận với thị trường này.

Một số DN lớn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, bán lẻ, gia dụng như SATRA, Kim Hằng, Saigon Co.op… đã khảo sát để đặt nền móng mở rộng thị trường tiêu thụ vào mọi đối tượng người dân.

ky vong o thi truong lao
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại Lào mở đường cho DN Việt

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), dù là nền kinh tế quy mô nhỏ trong khu vực ASEAN, nhưng thị trường Lào hiện nay rất giàu tiềm năng để các nhà đầu tư, DN sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khai thác. Chính phủ Lào cũng đang bỏ dần các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, giảm số lượng thời gian thành lập DN tại Lào, giảm thuế và tăng cường cơ sở hạ tầng...

Xét ở vị thế khu vực, Lào có một vị trí chiến lược ở trung tâm của ASEAN. Quốc gia này có đất liền, nhưng có chung biên giới trên bộ với 5 nước khác. Trong tương lai, việc phát triển giao thông đường bộ được thúc đẩy (bằng các dự án thu hút đầu tư vào ngành đường sắt) sẽ biến Lào thành một trung tâm giao thông, kết nối các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc.

Các nhà đầu tư lớn nhất tại Lào hiện nay là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Các quốc gia này có nhiều DN tiên phong trong việc mở rộng thị trường Lào. Hàng hóa chủ yếu kinh doanh tại đây là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, như thực phẩm công nghệ, chế biến, ăn liền, hóa mỹ phẩm, điện gia dụng, điện tử, giày dép, may mặc…

Một lý do khác khiến Lào được chú ý nhiều là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ biến khu vực này thành một thị trường đơn duy nhất, với tự do giao thương hàng hóa, dịch vụ, lao động và đầu tư giữa tất cả các nước thành viên. Và Lào hiện là thị trường mới nổi đang phát triển theo đúng nghĩa, sức tiêu thụ hàng hóa tại đây chưa được khai thác hết.

Các DN nước ngoài đang chú trọng và đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào các dự án cần nhiều diện tích đất (nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi…) hay dự án năng lượng, viễn thông, giao thông…

Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang Lào sắt thép, máy móc hạng nặng, phụ tùng phương tiện vận tải, vật liệu xây dựng…Thái Lan thì xuất khẩu hàng tiêu dùng, nhôm nhựa gia dụng, xe máy, hàng điện tử… Trung Quốc có hàng dệt may, gia dụng tiêu dùng… Trong các năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào tăng đều theo từng năm.

Để “mở đường” cho DN Việt vào Lào, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã thường xuyên tổ chức các đoàn tham gia hội chợ thương mại Việt - Lào. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam vào Lào cũng như các đoàn khảo sát thị trường tại Viêng Chăn, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu… đã được tổ chức. Đến nay, đã có 28 DN của TP. Hồ Chí Minh được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn 252 triệu USD.

Các DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản, khai khoáng và xây dựng. Không chỉ dừng lại ở đầu tư thương mại, DN TP. Hồ Chí Minh còn hoạt động khá mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Lào.

Thời gian tới, để chủ động tại thị trường đầy tiềm năng này, DN cũng đề nghị UBND thành phố có chiến lược lâu dài, như đầu tư siêu thị để DN Việt Nam có điều kiện giới thiệu hàng hóa đến người dân Lào và dần dần nâng bước cạnh tranh của hàng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu vào Lào từ các nước khác.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều