Lập doanh nghiệp vì “chạy luật”

09:17 | 23/03/2015

Hiện nay thị trường nhà đất đang có dấu hiệu ấm lên, vì thế một số lượng lớn DN trước đây đã đóng cửa nay quay lại lĩnh vực kinh doanh này để tìm kiếm cơ hội. 

Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2015, số lượng DN BĐS mới thành lập tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, ước tính mỗi ngày sẽ có khoảng 200 DN BĐS đăng ký thành lập mới.

lap doanh nghiep vi chay luat
Dù BĐS có khởi sắc, việc DN thành lập mới chủ yếu để “chạy luật”

Ghi nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, trong vài tuần trở lại đây, nhiều hệ thống sàn giao dịch BĐS đăng thông tin tuyển dụng nhân sự. Hệ thống sàn Khải Hoàn Land hiện trung bình mỗi tháng tuyển thêm khoảng 100 nhân viên kinh doanh và môi giới BĐS. Trong khi đó, các DN có hệ thống sàn giao dịch lớn như Hưng Thinh Corp, Công ty BĐS Thanh Yến… cũng đang thông báo tuyển dụng thêm hàng trăm nhân sự mới để phục vụ phát triển thị trường trong quý II/2015.

Lý giải nguyên nhân các DN BĐS ồ ạt thành lập mới và tuyển dụng nhân sự, hầu hết các ý kiến cho rằng, do hiện nay thị trường nhà đất đang có dấu hiệu ấm lên, vì thế một số lượng lớn DN trước đây đã đóng cửa nay quay lại lĩnh vực kinh doanh này để tìm kiếm cơ hội.

Một doanh nhân trong ngành bổ sung lý do: lập DN để “chạy chính sách”. Bởi, bắt đầu từ 1/7, Luật Kinh doanh BĐS 2014 bắt đầu có hiệu lực. Sắc luật này chốt quy định cứng về số vốn pháp định tối thiểu của DN phải từ 20 tỷ đồng. Vì vậy, nếu tranh thủ thành lập trong thời gian trước ngày 30/6 thì các DN vẫn được ra đời theo quy định cũ, chỉ phải áp dụng mức vốn pháp định 6 tỷ đồng.

Nhìn vào số vốn đăng ký của các DN mới thành lập hoàn toàn có thể khẳng định xu hướng “chạy chính sách” này đang diễn ra trên thực tế. Bởi số vốn đăng ký bình quân của một DN chỉ đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy, hầu hết các DN mới thành lập là DN rất nhỏ, hoặc chỉ là các sàn giao dịch thực hiện mua đi bán lại, thậm chí nhận bán hàng cho một chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), việc hàng ngàn DN BĐS thành lập mới trong thời gian gần đây ít tác động lớn đến thị trường nhà đất. Bởi trong bối cảnh hiện nay, thị trường chưa thực sự phục hồi vì vẫn đang có hàng ngàn dự án nhà ở thương mại tồn kho chưa thể bán được.

“Khi thị trường không bán được hàng thì hàng loạt sàn BĐS đóng cửa, chuyển sang bán cà phê… Khi thị trường có dấu hiệu tốt thì họ quay trở lại. Đó là sự tất yếu, không có tác động gì tốt cho thị trường, chỉ là chuyện mua bán sôi động ở một số dự án thôi, còn tới 90% dự án đang nằm chết vẫn chưa được ai cứu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho thị trường BĐS”, ông Đực phân tích.

Theo một số chuyên gia, việc các DN BĐS ồ ạt thành lập mới cũng còn tiềm ẩn một số nguy cơ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Bởi BĐS là “sân chơi” của các DN có tiềm lực tài chính mạnh. Nếu DN chỉ có số vốn 5-6 tỷ đồng, việc kinh doanh sẽ gần như dựa vào đòn bẩy tài chính mà ngân hàng là một địa chỉ để họ tìm đến. Chưa kể rằng, một số DN trước đây đã “giải tán” vì vướng vào nợ thuế, nợ xấu, bây giờ nhận thấy thị trường có cơ hội phục hồi thì thành lập lại với tên mới để vay vốn, hòng cứu vãn những thua lỗ trước đó.

Thực tế vào thời điểm cuối năm 2013, thống kê cho thấy đã có hơn 10.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực BĐS phải đóng cửa vì giao dịch trầm lắng và các vấn đề về tài chính. Trong năm nay, mặc dù thị trường được dự báo sẽ tốt lên nhờ sự cởi mở của chính sách cho vay đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cũng như các quy định thông thoáng cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam…

Tuy nhiên thị trường vì thế cũng sẽ cạnh tranh sôi động và khốc liệt. Nhiều DN sẽ phải bán dự án hoặc bán chính mình để thoát khỏi thị trường, trả lãi vay ngân hàng. Chính vì vậy, trong thời điểm này các NHTM cũng không nên quá lạc quan vào sự sôi động bề ngoài của thị trường BĐS để tránh những rủi ro nếu tham gia quá sâu vào lĩnh vực này.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều