Lấy SME là động lực tăng trưởng

09:27 | 18/02/2019

Sự tăng trưởng ngày càng vững chắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong những năm qua đã phản ánh sức mạnh của nền kinh tế...

Nhiều nhà băng cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong mảng khách hàng SME với dư nợ tăng trưởng cao. SME cũng là đối tượng được nhiều ngân hàng hướng tới là mục tiêu phát triển chiến lược. Đơn cử VIB được ADB ghi nhận là “Ngân hàng hàng đầu Việt Nam về tài trợ thương mại cho SME” năm 2018. Đầu tháng 1/2019, Tạp chí The Asian Banker bình chọn VPBank là “Ngân hàng tốt nhất dành cho SME” tại Việt Nam, SHB, Techcombank, HDBank… đều là những nhà băng hướng tới đối tượng SME trong năm 2019.

lay sme la dong luc tang truong
VPBank vừa được Tạp chí The Asian Banker bình chọn là “Ngân hàng tốt nhất dành cho SME” tại Việt Nam

Cùng với đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ dành cho đối tượng này cũng được các nhà băng chú trọng. Như cuối năm 2018 MB giới thiệu và ra mắt gói sản phẩm “SME Care by MB” thuộc chuỗi các hoạt động với tầm nhìn trở thành ngân hàng thuận tiện nhất cho cộng đồng SME. SME sẽ được cung cấp miễn phí gói hỗ trợ truyền thông quảng cáo nhằm phát triển hoạt động kinh doanh của DN.

Trước nhu cầu tiếp cận vốn của SME cũng như phong trào khởi nghiệp đang lớn mạnh, chính sách tín dụng cho SME của nhà nước là giải pháp quan trọng để tháo gỡ “nút thắt” nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ, bên cạnh các sản phẩm truyền thống là tín dụng cho các DN, nhiều nhà băng hiện nay đã tập trung cung cấp các sản phẩm trọn gói về cho vay, tài trợ chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm, trả lương, giải pháp quản lý tài chính, thu hộ, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực cho DN.

Đơn cử như VietinBank, ngân hàng này đã xây dựng giải pháp tài chính toàn diện để phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng này như giải pháp về chính sách tín dụng, giải pháp về lãi suất cho vay và giải pháp về chăm sóc khách hàng.

Hay như SHB đã dành một nguồn vốn lớn triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng trọng điểm cho SME: tài trợ vốn ngắn hạn với nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh, tài trợ DN đầu tư trung dài hạn mua phương tiện giao thông vận tải, chung sức cùng DN xuất khẩu… với nhiều ưu đãi nổi trội như mức lãi suất phổ biến thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất cho vay thông thường và mức tài trợ lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.

Còn BIDV đã triển khai áp dụng quy trình cấp tín dụng cho SME trong đó đơn giản hoá về hồ sơ thủ tục, giảm các tầng nấc trung gian trong xét duyệt cấp tín dụng, áp dụng quy trình giải ngân một cửa… từ đó rút ngắn thời gian cấp tín dụng cho khách hàng.

Cạnh tranh là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại và đứng vững đòi hỏi các DN phải chiến thắng trong cạnh tranh. Đặc biệt đối với SME, do có một số hạn chế nhất định, việc chiếm lĩnh ưu thế trong cạnh tranh trước các DN lớn trong và ngoài nước là một vấn đề khó khăn.

Theo chuyên gia chia sẻ, các tổ chức quốc tế như IMF hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều nhận thấy khả năng tiếp cận tín dụng cho SME là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và mở rộng của các DN này. Có thể đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như ADB, JICA, WB… để tăng cường các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí vay vốn cho DN.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự mở rộng và phát triển tín dụng cho SME luôn phải được cân nhắc trên tổng thể nguồn vốn để đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng. Các giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho SME cần phải thực hiện song song với các biện pháp nâng cao khả năng giám sát tài chính đối với các TCTD. Trong quá trình vay, ngân hàng thực hiện kiểm soát trước, trong và sau khi giải ngân buộc DN phải sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Ở chiều ngược lại, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội lưu ý, các DN muốn có vốn tín dụng của ngân hàng phải có phương án sản xuất khả thi. Không chỉ thu hồi đủ vốn mà các DN còn phải tìm cách sử dụng vốn có hiệu quả, tăng nhanh chóng vòng quay vốn, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận phải lớn hơn lãi suất ngân hàng thì mới trả được nợ và kinh doanh có lãi.

Bài học quan trọng nữa là các SME phải nhận thức được việc thực hiện quản trị DN một cách minh bạch, chuyên nghiệp không những giúp họ dễ dàng tiếp cận vốn, mà còn giảm chi phí vốn và các chi phí giao dịch khác. Một khi SME chỉ có các kế hoạch trong ngắn hạn, thì tính bấp bênh của các DN này vẫn là rủi ro quá lớn để các ngân hàng có thể cho vay.

Một điểm cũng được chuyên gia khuyến nghị, là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hệ thống thu thập số liệu mảng lớn (Big Data) sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí trong việc đánh giá rủi ro các SME, qua đó giảm được chi phí tiếp cận vốn cho DN này.

Bài và ảnh Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều