Liên kết ngân hàng và DNNVV

11:15 | 15/06/2012

Thực tiễn hiện nay, các DN dựa vào vốn vay của các tổ chức tài chính rất lớn, các DN nên đa dạng hóa nguồn vốn của mình, không quá phụ thuộc vào ngân hàng khi chính sách vĩ mô của Chính phủ thay đổi DN sẽ có phản ứng tích cực hơn.

Ngày 14/6/2012, NHNN chi nhánh Hải Dương phối hợp với Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức Tọa đàm và ký kết hợp tác toàn diện giữa Hội DNNVV với ngành Ngân hàng tỉnh Hải Dương.

Các DNNVV tỉnh Hải Dương hiện đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sản xuất đình trệ, hàng tồn kho nhiều, đầu ra không có, khó tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất vẫn còn cao…

Ông Nguyễn Xuân Trang – Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Hải Dương cho biết, DN hiện đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để sản xuất. Trước đây khi NHNN quy định lãi suất huy động là 12% thì DN phải vay mức 17%. Mới đây lãi suất huy động giảm xuống 9% thì DN đã đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Bây giờ lãi suất mà DN đang vay ở mức 15%. Tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Những năm trước, tốc độ tăng trưởng của công ty luôn đạt 30-40%/năm. Tuy nhiên, năm 2012 công ty quyết định hoãn đầu tư một số dự án và đưa số tăng trưởng bằng 0 để đảm bảo an toàn cho DN. Công ty không phát triển sản xuất thì thu ngân sách sẽ giảm, sử dụng lao động và thu nhập của người lao động cũng giảm. Trước những khó khăn như vậy, DN cũng mong muốn Chính phủ, ngân hàng có những chính sách phù hợp với từng đối tượng để giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.


Ảnh: BĐT

Tiếp cận nguồn vốn khó khăn cũng là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Minh – Phó giám đốc DN Vật tư Minh Hải. Ông Minh cho hiện tài sản thế chấp của DN chỉ có nhà xưởng, hàng tồn kho. Trong khi muốn vay vốn ngân hàng buộc phải chứng minh tình hình hoạt động, kinh tế tài chính rõ ràng do kiểm toán của Nhà nước xác nhận. Bên cạnh đó, DN phải hoạt động có lãi, có hiệu quả, có khả năng thanh toán các khoản nợ gốc và lãi tốt. Chưa kể với những thủ tục khó khăn nên khi vay được vốn thì cơ hội kinh doanh đã trôi qua. Bởi vậy ông Minh đề nghị, các ngân hàng cũng nên “cởi mở” hơn tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần lựa chọn và phân loại các DN ra từng nhóm, theo một số tiêu chí để có những chính sách vay, mức độ tiền vay cũng như áp dụng lãi suất vay cho hợp lý…

Bà Nguyễn Thị Bài – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương khẳng định: Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để các DN gặp khó khăn vay vốn. Các DN cũng phải nỗ lực khắc phục khó khăn, có những phương án kinh doanh hiệu quả.

Trao đổi với những ý kiến của DN, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, khó khăn chung mà các DN phản ánh tập trung vào các vấn đề như hàng tồn kho, đầu ra, tiếp cận vốn, lãi suất cao… Thực tế từ đầu năm, NHNN đã đưa ra lộ trình giảm lãi suất theo từng quý, đến cuối năm sẽ đưa lãi suất huy động về mức 9-10%/năm. Tuy nhiên NHNN đã phản ứng rất nhanh, linh hoạt theo tình hình thị trường. Trong tháng 5 khi lạm phát giảm, NHNN đã quyết định giảm lãi suất huy động xuống 11%/năm và hiện nay là mức 9%/năm để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã giảm 3-4% và lãi suất cho vay giảm từ 2-5%/năm. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ giữ ở mức khá ổn định. Vì vậy DN không nên có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm hơn nữa vì có thể sẽ bỏ lỡ thời cơ, cơ hội kinh doanh.

Theo bà Hồng, nếu các DN nào cũng có nhiều phương án để phát triển sản xuất thì đề án tái cơ cấu lại các DN của Chính phủ sẽ rất thành công. Thực tiễn hiện nay, các DN dựa vào vốn vay của các tổ chức tài chính rất lớn. Khi mà lãi suất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, lúc đó DN sẽ gặp khó. Về nguồn vốn, các DN nên đa dạng hóa nguồn vốn của mình, không quá phụ thuộc vào ngân hàng khi chính sách vĩ mô của Chính phủ thay đổi DN sẽ có phản ứng tích cực hơn.

Chia sẻ những khó khăn của DN, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện các DN đang vướng trong vòng luẩn quẩn. Đó là lượng tồn kho trong DN khá lớn, DN sản xuất ra không bán được, không có tiền trả lãi cho ngân hàng, vì vậy ngân hàng không tiếp tục cho vay khiến DN càng khó khăn hơn. Để giải quyết những khó khăn, DN phải tự đánh giá để tự tái cơ cấu trúc; xây dựng chiến lược kinh doanh mới; tính toán khâu giảm chi phí; có kế hoạch phân bổ, sử dụng lao động; nâng cao trình độ dự báo, dự đoán tình hình để linh hoạt trong hoạt động của mình.

Bên cạnh những nỗ lực của DN, các ngân hàng cũng phải có những cơ chế, chính sách giảm bớt khó khăn cho DN. Có như vậy mới có thể tháo gỡ những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay.

Minh Hiếu

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều