Lo mất động lực cho tăng trưởng dài hạn

12:59 | 05/09/2018

Tình hình hoạt động và đăng ký DN có thể xem là mảng tối nhất trong bức tranh kinh tế sáng sủa 8 tháng đầu năm, bởi số DN thành lập mới tăng rất chậm, trong khi số giải thể, ngừng hoạt động tăng cao.

Tăng trưởng trong tầm tay
Con số tăng trưởng tín dụng sẽ tùy vào thực tế của nền kinh tế
Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể vượt mục tiêu

Tình trạng này đã kéo dài suốt từ cuối quý I tới nay. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại bởi doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng dài hạn.

Thách thức song hành cơ hội

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tháng 8 có 11.655 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 107,6 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% về số DN song giảm tới 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Còn so với cùng kỳ năm trước, số DN giảm 6%, số vốn đăng ký giảm tới 18,1%.

lo mat dong luc cho tang truong dai han
Tạo điều kiện để DN hoạt động ổn định, lâu dài

Tính chung 8 tháng, cả nước có hơn 87.400 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878.000 tỷ đồng, tăng 2,4% về số DN và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 4,3%.

Mặc dù vẫn trong xu thế tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng của năm 2018 đã chững lại rất nhanh so với năm 2017 ở các mức lần lượt là 16,3% về số DN; 44,8% về số vốn đăng ký; và 24,5% về số vốn đăng ký bình quân.

Trong khi số DN đăng ký mới chậm lại, thì số DN “ốm, chết” lại tăng khá nhanh. Cụ thể, 8 tháng qua có tới 9.135 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 63.235 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về tình trạng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về DN nhằm loại bỏ các DN đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động. Sau khi rà soát, những DN này được chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng DN chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy DN vẫn gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng cho thấy bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho DN, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Lực đẩy cho DN tư nhân đang yếu đi

Không phủ nhận rằng diễn biến kinh tế thế giới và trong nước đang đặt ra rất nhiều thách thức cho sự phát triển của DN, song các chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh trong nước mới thực sự là nguyên nhân lớn nhất, quyết định khoảng 50% khả năng cạnh tranh cũng như tồn tại của DN. Tuy nhiên tốc độ cải thiện của môi trường kinh doanh vẫn hết sức chậm chạp.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế chia sẻ, có những quy định gây cản trở sự hoạt động của DN, song phải mất tới 3-4 năm hoặc hơn để ra quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ. Thời gian chờ đợi đó đã đủ khiến hàng vạn DN phải rời bỏ thị trường. Theo đó, 8 tháng số DN ngừng hoạt động bằng tới 50% số mới ra đời. “Đó là chưa kể DN chết là chết thật, còn đăng ký thì chưa biết đến bao giờ mới hoạt động, và với tốc độ này thì DN vừa hoạt động rất có thể sẽ lại rời bỏ thị trường”, bà Lan lo ngại.

Con số đáng lo khác là việc làm mới được tạo ra giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy cùng với DN ngừng hoạt động là công ăn việc làm mất đi. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại trước hiện trạng DN hiện nay. Mặc dù tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô nhìn trên bề mặt đều rất đẹp, song thực trạng của khu vực DN trong nước đã cảnh báo những vấn đề bất ổn đằng sau. Bởi lẽ, 97% DN trong nước đi vào hoạt động là nhỏ và siêu nhỏ, lại có tới 80% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như buôn bán lẻ, bất động sản… cho nên khó cơ cấu lại nền kinh tế. Cùng với đó, tỷ trọng các DN mới đăng ký vào khu vực sản xuất, chế biến chế tạo là rất ít, chiếm tỷ lệ nhỏ, không tạo ra được động lực cho nền kinh tế chuyển đổi.

Ông Kiên cũng lý giải thêm một nguyên nhân khiến khu vực DN trong nước teo tóp lại trong năm vừa qua. Đó là do đầu tư từ khu vực Nhà nước đã chững lại khá nhanh trong mấy năm gần đây. Ông giải thích, vốn đầu tư nhà nước đều vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia, như vậy sẽ kéo theo gấp 2-3 lần vốn tư nhân cùng vào để phục vụ cho dự án đó. Tuy nhiên do đầu tư nhà nước chững lại, nên không huy động được vốn xã hội để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cũng như không được định hướng được khu vực tư nhân theo đúng với hướng phát triển cần thiết.

TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung, một hướng phát triển khác của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là “đứng trên vai người khổng lồ” FDI cũng đang không thành công. Tính liên kết của khu vực FDI đối với khu vực trong nước chưa cao, chưa tạo được lực đẩy để DN tư nhân trong nước lớn lên và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, cả năm 2018 sẽ có khoảng 130.000 DN thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017. Mặc dù con số này sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về số DN đăng ký thành lập trong năm, song tốc độ tăng đã giảm rất nhanh so với năm 2016 và 2017. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng số lượng DN thành lập mới không quan trọng bằng chất lượng. Theo đó, cần tạo điều kiện để DN hoạt động ổn định, lâu dài, giảm tình trạng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, rời bỏ thị trường quá nhanh khi còn chưa kịp lớn.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều