Lo quản trị rủi ro khi hội nhập

08:36 | 21/10/2015

Sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề DN lo ngại nhất trong hội nhập mới sắp tới.

Câu chuyện Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Đồng Nai) dùng phần mềm bất hợp pháp của Microsoft và Lạc Việt, đã phải đền bù khoảng hơn 1 tỷ đồng và công khai xin lỗi hai DN này, trong một vụ khởi kiện ra tòa án tỉnh Đồng Nai cách đây hơn 2 năm những tưởng đã rơi vào dĩ vãng...

Nhưng mới đây khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận, và nhất là hai vấn đề: sở hữu trí tuệ và công nghệ sinh học khiến các nước thành viên phải “vã mồ hôi” mới thông qua được, đang khiến các DN không khỏi lo ngại.

Bởi vì, chỉ riêng vấn đề sở hữu trí tuệ khi áp dụng vào thực tiễn – tức TPP chính thức có hiệu lực, có thể dẫn đến nhiều vụ kiện tụng vì lâu nay, nhiều DN vẫn có thói quen “xài chùa” phần mềm, cũng như sử dụng công nghệ không có bản quyền.

lo quan tri rui ro khi hoi nhap
Nhiều DN đặc biệt quan tâm đến quản trị rủi ro

Là chủ DN xuất khẩu nệm sang 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu gối cao su thiên nhiên nên ông Lâm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nệm mousse Liên Á (Liên Á) có nhiều kinh nghiệm xương máu trong quá trình thâm nhập thị trường quốc tế.

Theo ông Minh, một trong những rủi ro DN cần đặc biệt lưu ý trong thời gian hội nhập mạnh mẽ sắp tới (TPP, cộng đồng kinh tế chung ASEAN) là tính pháp lý. Bởi lẽ, với TPP, đòi hỏi sở hữu trí tuệ, bảo hộ rất nghiêm ngặt.

Lúc đó, những công ty như Microsoft sẽ có thể đột xuất kiểm tra DN nào đó về việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Lại nữa, ví dụ khi một DN Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Mỹ, nếu bị cơ quan hải quan phát hiện dùng phần mềm lậu, thì sẽ bị ách lại.

Vấn đề thứ hai, cũng quan trọng không kém là sở hữu trí tuệ về công nghệ sản xuất. Theo các chuyên gia, trên thế giới hiện có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, những DN khác nếu muốn sử dụng công nghệ đã được bảo hộ thì phải thông qua họ. Tại Việt Nam, Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) mỗi năm thu về hàng chục triệu USD nhờ cho thuê bản quyền sở hữu trí tuệ là minh chứng rõ nét cho điều này.

Chính điều này đang đặt ra vấn đề, sắp tới đây DN Việt Nam có thể bị kiện tụng nhiều về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong công nghệ sản xuất, bởi từ trước đến nay, đa phần DN ít chú ý vấn đề này.

“Bên cạnh việc chuẩn bị bằng cách mua những công nghệ có bản quyền để sử dụng, chúng tôi phải chuẩn bị bằng cách tự bảo hộ cho chính mình. Nghĩa là, những gì đích thực của mình thì đăng ký bảo hộ hết, từ thương hiệu, công nghệ sản xuất cho đến thiết kế”, ông Lâm Ngọc Minh nói và cho rằng các chi phí đăng ký bảo hộ ở trong nước không mắc, nhưng ở thị trường quốc tế là không hề rẻ.

Việc bỏ ra một khoản phí nhất định để đăng ký bảo hộ bản quyền có thể khiến nhiều DN “xót tiền”, nhưng đây có thể xem là tài sản vô hình, giúp DN tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường hội nhập hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi TPP được thực thi, rào cản về thuế quan sẽ được gỡ bỏ, thì có thể các nước TPP sẽ dựng lên nhiều loại “hàng rào kỹ thuật” để bảo hộ hàng hóa trong nước.

Như vậy, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm, về công nghệ sản xuất như đã nêu ở trên sẽ rất “nóng” trong một vài năm tới. Điều này đòi hỏi bản thân các DN phải chủ động tự cứu mình, thay vì chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Được biết, trong 12 năm qua, việc xử lý vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn chủ yếu “giơ cao đánh khẽ”, nên vô tình tạo sự dễ dãi khi phần lớn DN quy mô nhỏ và vừa vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này.

Thanh Vũ

Tin đọc nhiều