Lo xuất khẩu gạo tranh bán

09:13 | 12/11/2018

Nếu các DN xuất khẩu gạo không “đoàn kết” và không có sự điều phối nhịp nhàng từ phía cơ quan quản lý, tình trạng tranh mua – tranh bán tất yếu sẽ xảy ra và hệ quả cuối cùng là các DN sẽ gánh chịu phần thiệt thòi.

Từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự tăng trưởng khá tích cực một phần cũng nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2018, mặc dù lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt gần 5,25 triệu tấn, tăng 3,5% về lượng xuất khẩu; nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo đạt tới gần 2,65 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017.

lo xuat khau gao tranh ban
Ảnh minh họa

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, hầu hết các DN đều cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với các quy định khá cởi mở về điều kiện kinh doanh – xuất khẩu gạo là cơ sở tốt để nhóm DN thuần túy thương mại (không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về kho chứa, về cơ sở chế biến và lượng gạo dự trữ lưu thông) tham gia phát triển và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, điều đó có thể dẫn tới hệ lụy tranh mua - tranh bán.

Ở góc độ DN, ông Lê Quang Nhuận - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice cho rằng, khi càng nhiều DN tham gia vào thị trường xuất khẩu thì thương hiệu gạo Việt Nam càng khó giữ giá ổn định trên các thị trường nhập khẩu. Bởi trên thực tế, không ít DN sẵn sàng trộn các loại gạo chất lượng khác nhau nhằm giảm giá để cạnh tranh có được hợp đồng xuất khẩu gạo. Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nút thắt cơ bản dẫn đến việc các DN phải hạ giá bán gạo để tranh giành các hợp đồng xuất khẩu là vì thiếu vốn quay vòng. Việc thiếu vốn không phải chỉ diễn ra ở các DN thuần túy làm thương mại xuất khẩu (chỉ chuyên mua đi bán lại lúa gạo) mà cũng diễn ra phổ biến ở các DN đang thực hiện các dự án sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa gạo khép kín theo các mô hình cánh đồng liên kết.

Theo ông Bình, hiện nay để đầu tư 10.000 ha vùng nguyên liệu lúa gạo, DN sẽ cần khoảng 300 tỷ đồng để thanh toán tiền mua lúa cho nông dân trong vòng 20 ngày thu hoạch rộ. Với lượng tiền lớn như vậy, mặc dù các NHTM cho vay một phần nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn của DN, buộc các DN phải cạnh tranh giảm giá xuất khẩu để bán được hàng nhằm có vốn quay vòng. Hệ quả là nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo xuất khẩu đi các thị trường như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản… vốn chỉ có khoảng 2-3 DN nội địa cạnh tranh với nhau, nhưng giá trúng thầu cuối cùng luôn thấp hơn giá trúng thầu của các DN Thái Lan và Trung Quốc. Thậm chí có những hợp đồng lớn, giá bỏ thầu của DN Việt thấp hơn vài chục USD/tấn so với các DN nước ngoài, nên dù trúng thầu nhưng con số thiệt hại lên tới 70-80 tỷ đồng.

Ghi nhận những thực tế trên, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, với mức tăng trưởng hiện tại của thị trường xuất khẩu gạo, trong các tháng cuối năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành gạo sẽ có những bứt phá về giá trị. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia, Iraq nhằm bù đắp sản lượng thiệt hại do thiên tai sẽ khiến các DN ký kết được thêm các hợp đồng giao ngay vào cuối năm hoặc quý I/2019. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và cân đối nguồn vốn quay vòng thì các DN sẽ khó tận dụng được mức giá khá cao của thị trường lúa gạo toàn cầu và chịu thiệt hại so với các đối tác xuất khẩu nước ngoài.

Chia sẻ khó khăn về vốn của các DN xuất khẩu lúa gạo, nhưng giám đốc một chi nhánh NHTM tại Đồng Tháp cho rằng hiện nay, các ngân hàng rất khó để có thể tăng hạn mức cho vay đối với các DN xuất khẩu gạo bởi một số đơn vị đã chạm trần hạn mức vay vốn. Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 6/2018, các TCTD đã cho vay khoảng 51.600 tỷ đồng đối với lĩnh vực sản xuất – kinh doanh – xuất khẩu lúa gạo. Hầu hết các DN ngành lúa gạo đều đã tiếp cận được những chính sách ưu đãi lãi suất khi vay vốn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo. Nhiều DN đầu tư xây dựng những dự án cánh đồng liên kết ngoài việc vay được nguồn vốn ngoại tệ để thu mua nguyên liệu còn tiếp cận được các khoản vay ưu đãi giảm tổn thất sau thu hoạch, vay tín chấp hỗ trợ vốn theo từng giai đoạn của chuỗi giá trị ngành hàng. Vì vậy, nếu các DN không chủ động gia tăng nguồn tài sản đảm bảo thì các NHTM rất khó để gia tăng hạn mức cho vay.

Điều đó cũng có nghĩa, nếu các DN xuất khẩu gạo không “đoàn kết” và không có sự điều phối nhịp nhàng từ phía cơ quan quản lý, tình trạng tranh mua – tranh bán tất yếu sẽ xảy ra và hệ quả cuối cùng là các DN sẽ gánh chịu phần thiệt thòi.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều