Loay hoay cứu giá lúa

09:36 | 12/02/2015

Các kiến nghị thu mua tạm trữ lúa gạo sớm của một số địa phương chưa được Chính phủ chấp thuận, trong khi giá lúa Đông Xuân 2014-2015 đang giảm mạnh.

Tái diễn bỏ “tiền cọc”

Ghi nhận tại một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp, hiện giá lúa IR50404 được nông dân bán tại ruộng dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm 4.700 - 4.750 đồng/kg. So với vụ Thu Đông 2014 vừa qua, bình quân giá lúa các loại giảm từ 600 - 700 đồng/kg và thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 500 - 600 đồng/kg.

Nông dân Nguyễn Văn Lam (ngụ tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng) cho hay, gia đình ông vừa thu hoạch 12 ha lúa, năng suất hơn 7,5 tấn/ha. Tuy nhiên, với giá bán như trên sau khi trừ chi phí thì mức lợi nhuận còn lại là không đáng kể.

loay hoay cuu gia lua
Việc triển khai chương trình mua tạm trữ lúa gạo thường chậm hơn so với thời điểm thu hoạch rộ

Tại một số địa phương khác thuộc tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tình hình cũng không khá hơn. Hầu hết các nông dân trồng lúa đều cho rằng, với mức giá 3.800-4.000 đồng/kg, nếu so với giá thành sản xuất lúa kế hoạch do Bộ Tài chính công bố thì nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 15-20%, tùy theo khu vực; nhưng so với giá thành sản xuất lúa thực tế thì nông dân cầm chắc từ hòa vốn đến lỗ.

Điều đáng nói là dù biết rằng nếu bán lúa sẽ lỗ vốn, nhưng nông dân vẫn phải bán bằng mọi giá. Bởi năm nay, hầu hết các diện tích lúa Đông Xuân sớm sẽ thu hoạch chính vụ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu không bán lúa, người dân sẽ không có tiền để chi tiêu dịp lễ tết và chuẩn bị cho đợt xuống giống tiếp theo.

“Tuần trước, thương lái họ đến đặt cọc 7 triệu đồng và hứa mua 4.300 đồng/kg, nhưng nay giá lúa giảm thêm 100-200 đồng nữa thì họ lại kêu mình giảm. Nếu mình chịu bán thì họ kêu máy cắt tới ruộng, còn không thì họ bỏ luôn tiền đặt cọc. Biết là thiệt nhưng cũng phải bán chứ để vài bữa giá giảm tiếp thì còn lỗ nữa”-nông dân Hồ Văn Tuấn (xã Vinh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) chua chát nói.

Chưa chấp thuận tạm trữ sớm

Ngày 4/2 vừa qua, nhận thấy việc giá lúa giảm mạnh tác động trực tiếp đến hàng trăm ngàn hộ dân trồng lúa tại địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được thực hiện thí điểm thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 sớm, trong thời gian 4 tháng, với số lượng khoảng 350.000 tấn (quy gạo).

loay hoay cuu gia lua
Mặc dù giá lúa Đông Xuân giảm nhưng các nhà máy xay xát vẫn hạn chế thu mua

Trao đổi với phóng viên TBNH ngày 11/2, ông Nguyễn Văn Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay: Sở dĩ tỉnh Đồng Tháp có kiến nghị này là vì, tính đến đầu tháng 2/2015, nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 32,4% diện tích lúa Đông Xuân (khoảng 65.500 ha), sản lượng ước khoảng 1,5 triệu tấn. Vì thế nếu không triển khai thu mua tạm trữ sớm thì nông dân sẽ phải bán hết lúa Đông Xuân với giá thấp.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay, đến thời điểm này kiến nghị của địa phương vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong khi dự kiến đến cuối tháng 3/2015, tỉnh Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa này.

Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, theo ghi nhận của phóng viên TBNH, do vụ Đông Xuân năm nay tỉnh tập trung xuống giống dứt điểm trước ngày 25/12 để né rầy nên hiện đã có khoảng 30-40% diện tích lúa Đông Xuân 2014-2015 được thu hoạch. UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho địa phương được triển khai thu mua tạm trữ sớm để cứu giá lúa, nhưng đến thời điểm này, theo phản ánh từ đại diện Sở NN&PTNT, địa phương vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ Chính phủ về kiến nghị này.

Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến nay, mỗi vụ lúa Đông Xuân Chính phủ đều triển khai Chương trình mua tạm trữ 1-1,5 triệu tấn gạo trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL. Mỗi đợt tạm trữ như thế, ngân sách thường phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các DN được phân chỉ tiêu mua trữ. Tuy nhiên, quan sát trong 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào thời điểm triển khai chương trình mua tạm trữ lúa gạo cũng chậm hơn so với thời điểm thu hoạch rộ khoảng 1 tháng. Khi các DN bắt đầu mua tạm trữ thì đa số các địa phương nông dân đã thu hoạch và bán lúa xong.

Các năm trước, do nhận thấy bất cập này, một số địa phương đã đề xuất nên tạm trữ lúa gạo theo đặc thù từng vùng. Năm 2012, Bộ NN&PTNT cũng từng đưa ra Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng cách cho nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã vay vốn để xây kho trữ lúa. Một số chuyên gia ngành lúa gạo còn kiến nghị nên thành lập Quỹ bình ổn sản xuất lúa gạo để cứu giá lúa mỗi khi thị trường có diễn biến giảm. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp và kiến nghị này đều đã không được thực hiện. Và kết quả là suốt nhiều năm nay, mỗi khi vào vụ thu hoạch người nông dân ở các địa phương vẫn phải “oằn mình tự bơi” để có thể bán được hạt lúa của gia đình, cho dù phải bán đổ, bán tháo ở mức giá thấp hơn giá thành sản xuất.

Vốn ngân hàng sẵn sàng

Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho hay, các TCTD trên địa bàn tỉnh rất sẵn sàng cung cấp vốn vay cho các DN xuất khẩu gạo để thực hiện thu mua tạm trữ, nếu kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp được Chính phủ phê duyệt.

Trong vụ Đông Xuân 2013-2014, 11 DN xuất khẩu gạo đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu thu mua, tạm trữ 85.000 tấn. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cho vay kịp thời cho các DN này vay vốn theo chương trình, giúp các DN thu mua đạt 100% chỉ tiêu trước thời gian quy định. Nếu vụ này Đồng Tháp được mua tạm trữ sớm 350.000 tấn gạo thì nguồn vốn của các ngân hàng tại địa bàn vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu vay.

Theo một số DN xuất khẩu gạo, hiện nay không chỉ giá lúa giảm mạnh mà giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL cũng đang lao dốc. Cụ thể, loại gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm đang được các DN mua vào với giá 6.200-6.300 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm được mua ở mức 6.000-6.100 đồng/kg, giảm 700-900 đồng/kg so với cuối 2014.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu chính ngạch của các DN thực hiện trong tháng 1/2015 đạt 169.358 tấn, trị giá FOB 77,32 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu các loại đang ở mức thấp hơn khoảng 25-31 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa bình quân vụ Đông Xuân 2014-2015 tại các tỉnh ĐBSCL là 3.417 đồng/kg. Trong đó, địa phương có giá thành sản xuất lúa cao nhất là Bến Tre với 4.026 đồng/kg; tiếp đến là Tiền Giang 3.835 đồng/kg, Long An 3.702 đồng/kg, Trà Vinh 3.677 đồng/kg, Sóc Trăng 3.662 đồng/kg…

Thạch Bình

Tin đọc nhiều