Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Đặt ủy ban Cạnh tranh ở Bộ Công thương sẽ không phát huy tác dụng

17:30 | 27/04/2018

Rõ ràng khi môi trường kinh doanh chung không bình đẳng với các quy định về pháp luật cạnh tranh bao gồm những vấn đề như: tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường, kiểm soát độc quyền, thì cơ quan cạnh tranh có vị thế như quy định là đặt tại Bộ Công thương sẽ không thể phát huy được tác dụng của nó.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Làm gì để UBCT Quốc gia phát huy vai trò?
Sửa đổi Luật Cạnh tranh: Cứu DN Việt thoát “thế thua” trên sân nhà
Luật vẫn còn mờ nhạt
luat su tran huu huynh dat uy ban canh tranh o bo cong thuong se khong phat huy tac dung
LS. Trần Hữu Huỳnh

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) mới nhất vừa được công bố đã định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, LS. Trần Hữu Huỳnh cho rằng, nếu đặt Ủy ban Cạnh tranh ở Bộ Công thương… sẽ không phát huy tác dụng.

Ông đánh giá thế nào về mối liên hệ giữa các nội dung của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) với các vấn đề của thị trường tại Việt Nam hiện nay?

Vấn đề của thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu liên quan đến quản lý về tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường, kiểm soát độc quyền và DN có vốn đầu tư nước ngoài. So với các DNNVV và DN tư nhân hiện nay thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra như ngoài việc ngay từ đầu đã có sự phân biệt, đối xử thì ngay cả các quy định của Luật Cạnh tranh cũng sẽ không được phát huy tác dụng. Bằng chứng rất rõ là DN Việt Nam không có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế.

Thứ hai là tình hình thị trường Việt Nam còn phức tạp hơn khi chúng ta phân biệt có nhiều thành phần kinh tế, mỗi thành phần kinh tế đều có chủ thể DN mà vị trí của nó ngay từ đầu đã không bình đẳng. Trong thực tế ý kiến của các DN và qua điều tra khảo sát PCI của VCCI cho thấy, các DNNVV cảm thấy không được yên tâm khi có sự phân biệt đối xử hoặc bị phân biệt đối xử khi DNNN được ưu ái nhiều hơn trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, tiếp cận thông tin và khai thác cơ hội, hay ưu ái cho DN nước ngoài hơn DN trong nước về thuế, đất đai, tài nguyên môi trường…

Rõ ràng khi môi trường kinh doanh chung không bình đẳng với các quy định về pháp luật cạnh tranh bao gồm những vấn đề như: tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường, kiểm soát độc quyền, thì cơ quan cạnh tranh có vị thế như quy định là đặt tại Bộ Công thương sẽ không thể phát huy được tác dụng của nó. Như vậy, nếu đánh giá một cách rõ ràng thì Luật Cạnh tranh đã không phát huy tác dụng.

Vậy tại sao chúng ta vẫn đặt cơ quan cạnh tranh trong Bộ Công thương và là cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Công thương, thưa ông?

Thực ra mà nói vấn đề tham mưu về chính sách cạnh tranh và thực hiện các vụ việc cạnh tranh không phải vấn đề của Bộ Công thương vì đây chỉ là một lĩnh vực trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Bộ trưởng Bộ Công thương không phải thay mặt nhà nước để thực hiện chính sách cạnh tranh mà Chính phủ phải đứng ra thực hiện quản lý cạnh tranh.

Tôi cho rằng, cạnh tranh là “linh hồn” của thị trường, còn Luật Cạnh tranh là “hiến pháp” của thị trường. Ý nghĩa của nó vô cùng quan trọng vì nếu không có cạnh tranh thì không có thị trường, không có cạnh tranh thì không có phát triển. Tính chất độc lập của nó không phải là tương đối mà gần như tuyệt đối và quan trọng hơn nó phải bao hàm tất cả các lĩnh vực của thị trường. Và ở một vị trí như vậy rất khó để đặt nó trong một bộ dù là Bộ Công thương hay bất kỳ bộ nào khác.

Chúng ta đang nói cải cách bộ máy, tinh giản biên chế nhưng không có nghĩa là làm giảm đi vai trò mà nó cần phải có. Cái này chúng tôi đã đề xuất từ khi bắt đầu soạn thảo Luật Cạnh tranh năm 2005, nhưng rất tiếc chúng ta không làm được.

Vậy theo ông, điều cần phải sửa nhất trong dự án luật này là gì?

Trong khi cạnh tranh diễn ra ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, thì Bộ Công thương cũng chỉ quản lý một lĩnh vực, bao gồm công nghiệp và thương mại. Cho nên đặt ủy ban cạnh tranh ở đó không phù hợp.

Vậy điều cần phải sửa nhất trong dự án luật này theo tôi là vấn đề đặt cơ quan quản lý cạnh tranh ở đâu mới là cốt lõi. Rõ ràng ở đây chỉ có hai cấp hoặc là Quốc hội, hoặc là Chính phủ. Giải pháp phù hợp là đặt ở Chính phủ để giải trình trước Quốc hội, để đảm bảo cho “linh hồn” của thị trường được vận hành đúng với ý nghĩa của nó và những quy định mang tính “hiến pháp” của thị trường được bảo đảm để các DN được vận hành một cách công bằng, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng. Còn nếu đặt ở một bộ sẽ rất khó có tiếng nói đối với các lĩnh vực thuộc bộ ngành khác.

Thứ nữa là thẩm quyền chức năng nhiệm vụ của tổ chức này. Cơ quan cạnh tranh nên tập trung lực lượng vào việc kiểm soát độc quyền và lạm dụng thống lĩnh thị trường. Nhất là với các DN có đầu tư nước ngoài và DNNN đang nắm giữ rất nhiều vốn và nguồn lực như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hương thực hiện

Tin đọc nhiều