Lúng túng việc "nuôi lớn" doanh nghiệp

09:07 | 17/06/2015

Khối DN tư nhân Việt Nam đang ngày càng “teo tóp”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tỏ rõ sự lo ngại khi thay mặt cộng đồng DN trong nước phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam 2015 được tổ chức vừa qua. 

lung tung viec nuoi lon doanh nghiep
Ảnh minh họa

Theo ông Lộc, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã tạo ra gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33%, cho thấy khu vực tư nhân quá manh mún. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Quy mô nhỏ, tính phi chính thức lớn, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ khác như quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân trong nước.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã phân tích rõ hơn về thực trạng “li ti hoá” của DN tư nhân Việt Nam thời gian qua. Theo đó, các DN có quy mô về lao động ngày càng giảm qua các năm, từ mức 79 lao động/DN năm 2000 giảm xuống còn 32 lao động/DN năm 2012, tức là khoảng 2,5 lần. Trong khi quy mô sụt giảm, sự gia tăng số lượng DN tư nhân càng cho thấy xu hướng manh mún của khu vực này.

Chỉ trong vòng 2 năm, từ 2010-2012, số DN đăng ký đã tăng từ khoảng 35.000 lên trên 340.000, tức là gần 10 lần. Điều này cho thấy việc mở rộng của khu vực DN tư nhân trong nước chủ yếu là nhờ sự nhập cuộc của các DN có quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hay các DN thuộc khu vực phi chính thức, thậm chí còn nhỏ hơn. Cụ thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có trung bình khoảng 2 lao động trong một cơ sở. Trong tổng số hơn 140.000 cơ sở được Tổng cục Thống kê khảo sát, có tới 49% số cơ sở chỉ có 1 lao động và gần 36% số cơ sở là có 2 lao động.

Như vậy, chỉ có hơn 15% số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong mẫu khảo sát là có từ 3 lao động trở lên. Với quy mô lao động như vậy, rất khó để có thể kỳ vọng vào sự lan tỏa về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng của người lao động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở này.

Còn một vấn đề quan trọng hơn song lại ít được thảo luận ở Việt Nam, là việc xác định quy mô tối ưu của DN để làm cơ sở đánh giá xem DN có quy mô nhỏ quá hay to quá.

Cũng theo nghiên cứu của VASS qua phân tích mối tương quan giữa quy mô và năng suất lao động, DN có từ 100 đến 300 công nhân có năng suất lao động cao nhất, cao hơn 50% so với nhóm tham chiếu. Điều này chỉ ra rằng quy mô DN là một nhân tố quan trọng của năng suất, vì nó có thể tạo điều kiện cho quá trình học hỏi lẫn nhau giữa những người lao động cũng như những lợi thế khác.

Nếu chiếu theo kết quả này, có thể một lần nữa khẳng định DN FDI chính là khối DN hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam hiện nay, bởi quy mô trung bình của nhóm này dao động xung quanh mức xấp xỉ 300 lao động. Đồng thời kết quả này cũng cho thấy thực trạng đáng lo ngại hơn, khi DN Việt Nam phần lớn có quy mô quá nhỏ, với 90% số lượng DN chưa đạt được quy mô tối ưu.

Các khuyến cáo gần đây cho thấy Việt Nam rất thiếu các DN cỡ vừa. Và để có DN lớn thì phải có DN phát triển đến một kích cỡ nhất định, tuy nhiên điều này đang rất khó khăn. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được đề xuất song dường như quá dàn trải. “Hiện tại các hỗ trợ của Nhà nước mới chỉ dừng lại ở động viên, khuyến khích”, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch thường trực Hội DN trẻ Hà Nội nêu quan điểm.

Trong khi đó, cũng theo ông Vương, các DNNN nhận được nhiều ưu đãi hơn trong việc tiếp cận tài nguyên đất, rừng, khoáng sản hay các dự án xây dựng hạ tầng đồ sộ. Nguồn vốn đang chưa tập trung vào hoạt động tái đầu tư trong sản xuất, phát triển công nghệ.

Vì vậy, các đề xuất hỗ trợ vừa qua đã tập trung vào kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đưa ra những hình thức đầu tư mới, đảm bảo các DN có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, minh bạch và công bằng. “Nhà nước cần bỏ ra một lượng vốn bền vững và đủ lớn. Đồng thời quy trình tiếp cận các quỹ này cần thực thi một cách đơn giản và khoa học”, ông Trần Anh Vương khuyến nghị.

Ngoài ra các nhóm giải pháp khác cũng đã được đề xuất như khuyến khích DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và xác định ngành chủ đạo cho công nghiệp hỗ trợ; các chính sách pháp luật cần được thiết kế phù hợp, giảm chi phí tuân thủ để hỗ trợ sự phát triển của các DNNVV; xây dựng các chương trình giáo dục và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường; kết nối hiệu quả giữa DN trong nước và DN FDI...

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều