Mở lối vào thị trường Rumani

12:54 | 24/10/2018

Việt Nam và Rumani còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác trên tất cả các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, lao động… song trước hết cần hoá giải các khó khăn, thách thức gây cản trở.

Đây là vấn đề được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra với mong muốn hỗ trợ các DN, NĐT trong nước đẩy mạnh hợp tác với Rumani.

Theo VCCI, Rumani là thị trường lớn nhất tại khu vực Nam Âu với 21 triệu dân; quy mô diện tích lớn thứ 7 ở châu Âu. Rumani còn là cửa ngõ đi vào các nước EU với hơn 500 triệu người tiêu dùng, là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, là nơi giao thoa của các quốc gia EU, vùng Balkans và Cộng đồng các quốc gia độc lập. Hơn thế nữa Rumani còn nằm ở vị trí đầu mối của 3 hành lang kinh tế châu Âu, là nơi thuận lợi cho vận tải biển đi vào các quốc gia EU.

mo loi vao thi truong rumani

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc mở rộng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, cũng như tìm kiếm các cửa ngõ để mở đường cho hàng Việt tiến sâu hơn vào thị trường truyền thống là EU. Vì vậy với những vị trí thuận lợi như trên, có thể xem Rumani là một cửa ngõ triển vọng để DN Việt Nam tăng cường giao thương vào thị trường châu Âu nói chung và khu vực Nam Âu nói riêng.

Đánh giá tiềm năng cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam - Rumani trong thời gian tới, ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Rumani có thế mạnh trong các lĩnh vực dầu khí, hoá dầu, kiến trúc, xây dựng, y tế, chế biến nông sản...; và có nhu cầu nhập từ Việt Nam sản phẩm nhiệt đới, hàng tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay các mặt hàng của Việt Nam mà Rumani sử dụng chủ yếu được nhập khẩu qua nước thứ 3 như cà phê, quả bơ…

Thống kê thương mại giữa hai nước cho thấy, giai đoạn 2010-2018, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Rumani đã có xu hướng tăng nhanh, tuy nhiên tới năm 2017 mới đạt khoảng 200 triệu USD, còn cách xa so với tiềm năng. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani chiếm phần lớn hơn một chút. Đây là con số còn hết sức khiêm tốn.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam mong muốn hợp tác với DN Rumani trong các lĩnh vực như dược phẩm, hóa chất, dầu khí, đóng tàu, chế biến nông sản. Tuy nhiên hiện tại đầu tư của Rumani sang Việt Nam còn rất hạn chế, hiện chỉ có 2 dự án với tổng vốn là 1,2 triệu USD, xếp thứ 91 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo ông Đoàn Duy Khương, hợp tác lao động giữa Việt Nam - Rumani cũng còn nhiều triển vọng, đặc biệt khi Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực đào tạo lao động tay nghề kỹ thuật cao. Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2017 vừa qua khi các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam gặp khó khăn thì Rumani nổi lên là một trong các thị trường hấp dẫn mới được khai phá. Đây là thị trường có mức thu nhập rất cao cho người lao động, đồng thời có chi phí cạnh tranh khi so sánh với các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, trong khi chất lượng môi trường làm việc lại tốt hơn hẳn các nước Trung Đông. Theo phân tích của Phó Chủ tịch VCCI, người lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi, sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu của Rumani.

Ở chiều ngược lại, Rumani đang giúp Việt Nam đào tạo gần 4.000 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và cung cấp 10 học bổng hàng năm cho sinh viên Việt Nam. Những sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Rumani, cùng cộng đồng người Việt tại nước này đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư và giao lưu thương mại giữa hai bên.

Đồng tình với quan điểm của ông Đoàn Duy Khương, ông Stefan-Radu Oprea - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Môi trường đầu tư và DN Rumani khẳng định: “Rumani luôn coi Việt Nam là một đối tác truyền thống và là đầu cầu quan trọng trong hợp tác với khu vực Đông Nam Á”.

Ông giới thiệu, bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, dân số với hơn 500 triệu người, Rumani còn là thị trường có môi trường đầu tư thuận lợi, mức lạm phát thấp, lương tối thiểu của lao động cạnh tranh nhất so với các nước trong khu vực EU, như Đức hoặc Anh. Vì vậy, Rumani rất mong muốn được là điểm đến đầu tư của NĐT Việt Nam. Hiện nay vốn đầu tư của Việt Nam xếp thứ 70 trong số các quốc gia đầu tư nước ngoài vào Rumani.

Chỉ ra một trong số những khó khăn được cho là kéo chậm sự hợp tác của DN Việt Nam - Rumani, các DN cho rằng mặc dù môi trường pháp lý đã cải thiện nhưng vẫn chậm được sửa đổi, giữaViệt Nam - Rumani đang thiếu các hiệp định hợp tác về ngân hàng, hải quan và du lịch... Hiện các DN ít có thông tin về nhau, việc quảng bá của các DN 2 bên còn hạn chế. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như điều kiện địa lý xa xôi, chi phí vận tải lớn, các DN còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục hải quan, thanh toán.

Lan Hương

Tin đọc nhiều